Trang chủ Tin tức Quy định chung về hợp đồng điện tử theo Pháp luật Việt Nam

Quy định chung về hợp đồng điện tử theo Pháp luật Việt Nam

Bởi: icontract.com.vn - 28/10/2022 Lượt xem: 1255 Cỡ chữ tru cong

   Hợp đồng điện tử đã giúp nhiều doanh nghiệp đã giảm đáng kể được chi phí giao dịch, thời gian giao dịch, dễ dàng tiếp cận được với khách hàng và thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, mọi hợp đồng điện tử sẽ buộc phải tuân theo một quy tắc chung thống nhất nhằm đảm bảo hợp đồng có tính pháp lý và được chấp nhận trong các giao dịch điện tử.      

hợp đồng điện tử 1

Hợp đồng điện tử theo pháp luật Việt Nam.

1. Khái niệm về hợp đồng điện tử theo Pháp luật Việt Nam

Trong nền kinh tế thị trường đang được mở rộng từng ngày, tất cả đang thay đổi cả để có thể thích ứng linh hoạt trong môi trường công nghệ số. Ứng dụng hợp đồng điện tử trong kinh doanh thương mại trở nên đặc biệt hữu ích. 

Khái niệm hợp đồng điện tử được định nghĩa tại Điều 33, Luật Giao dịch điện tử 2005 cụ thể như sau:

“Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”

Trên thực tế mặc dù xuất hiện đã lâu nhưng hợp đồng điện tử chỉ mới phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây do bệnh dịch và điều kiện ngoại cảnh tác động. Việc hiểu đầy đủ chính xác về khái niệm hợp đồng điện tử sẽ giúp doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh có góc nhìn toàn diện đúng nhất về loại hợp đồng này. 

2. Thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Việc sử dụng hợp đồng điện tử theo Pháp luật Việt Nam đồng nghĩa với việc tuân thủ những quy tắc mà Luật giao dịch Việt Nam 2005 đã quy định. Theo đó thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử. Cụ thể tại Điều 34, Luật Giao dịch điện tử 2005 nêu rõ:

“Điều 34. Thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”

Như vậy, hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý tương tự như hợp đồng giấy truyền thống. Trong trường hợp không có quy định khác thì mọi hợp đồng điện tử đều được tính như hợp đồng giấy. 

3. Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử theo Pháp luật Việt Nam

Giao kết hợp đồng điện tử được hiểu là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu. 

hợp đồng điện tử 2

Doanh nghiệp ứng dụng phần mềm ký hợp đồng điện tử Icontract. 

Khi giao kết hợp đồng điện tử các bên cần tuân thủ những nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng nhất định, đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng được thống nhất. Tại Điều 35, Luật giao dịch điện tử 2005 quy định 3 nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử nêu rõ. 

  • Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng. VD: Phương tiện sử dụng là máy vi tính, laptop, Ipad, điện thoại không chấp nhận các phương tiện điện tử khác
  • Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng. 
  • Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó. VD: Trong hợp đồng thỏa thuận đơn vị chứng thực thực chữ ký điện tử là Công ty Phát triển công nghệ Thái Sơn (Thaison Soft).

Các bên tham gia giao kết hợp đồng điện tử sẽ thực hiện theo 3 nguyên tắc nêu trên. Đồng thời đảm bảo hợp đồng được lập và giao kết tuân thủ đúng các quy định tại Luật giao dịch điện tử và các văn bản pháp luật khác liên quan.

4.  Quy định về việc nhận gửi thời điểm, địa điểm nhận gửi thông điệp dữ liệu và thực hiện hợp đồng điện tử

Không giống với hợp hợp đồng ký kết bằng giấy, hợp đồng điện tử có đặc thù riêng do đó Pháp luật Việt Nam cũng quy định rất rõ ràng nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên khi giao kết hợp đồng điện tử và dễ dàng phân xử khi có tranh chấp xảy ra. Việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử căn cứ theo quy định tại Điều 38, Luật giao dịch điện tử 2005 cụ thể như sau:

4.1 Quy định về thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu

Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

  • Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo;
  • Địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức;
  • Địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là nơi cư trú của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cá nhân. 

Lưu ý: Theo quy định nếu người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

4.2 Quy định về nhận thông điệp dữ liệu trong giao kết hợp đồng điện tử

Nhận thông điệp dữ liệu là nội dung được đặc biệt lưu ý khi các bên thực hiện giao kết hợp đồng điện tử. Cụ thể theo pháp luật Việt Nam được quy định như sau: 

hợp đồng điện tử

Quy định về nhận thông điệp dữ liệu khi giao kết hợp đồng điện tử.

(1) Người nhận thông điệp dữ liệu là người được chỉ định nhận thông điệp dữ liệu từ người khởi tạo thông điệp dữ liệu nhưng không bao hàm người trung gian chuyển thông điệp dữ liệu đó. 

(2) Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì việc nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

  • Người nhận được xem là đã nhận được thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu được nhập vào hệ thống thông tin do người đó chỉ định và có thể truy cập được;
  • Người nhận có quyền coi mỗi thông điệp dữ liệu nhận được là một thông điệp dữ liệu độc lập, trừ trường hợp thông điệp dữ liệu đó là bản sao của một thông điệp dữ liệu khác; 
  • Trường hợp trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo có yêu cầu hoặc thoả thuận với người nhận về việc người nhận phải gửi cho mình thông báo xác nhận khi nhận được thông điệp dữ liệu thì người nhận phải thực hiện đúng yêu cầu hoặc thỏa thuận này;
  • Trường hợp trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo đã tuyên bố thông điệp dữ liệu đó chỉ có giá trị khi có thông báo xác nhận thì thông điệp dữ liệu đó được xem là chưa gửi cho đến khi người khởi tạo nhận được thông báo của người nhận xác nhận đã nhận được thông điệp dữ liệu đó;
  • Trường hợp người khởi tạo đã gửi thông điệp dữ liệu mà không tuyên bố về việc người nhận phải gửi thông báo xác nhận và cũng chưa nhận được thông báo xác nhận thì người khởi tạo có thể thông báo cho người nhận là chưa nhận được thông báo xác nhận và ấn định khoảng thời gian hợp lý để người nhận gửi xác nhận; nếu người khởi tạo vẫn không nhận được thông báo xác nhận trong khoảng thời gian đã ấn định thì người khởi tạo có quyền xem là chưa gửi thông điệp dữ liệu đó.

4.3 Quy định về thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu

Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

  • Thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định; nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận;
  • Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở của người nhận nếu người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên của người nhận nếu người nhận là cá nhân. Trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

4.4 Quy định về gửi, nhận tự động thông điệp dữ liệu

Rất nhiều trường hợp thông điệp dữ liệu hay hợp đồng điện tử được gửi nhận tự động, nếu trường hợp người khởi tạo hoặc người nhận chỉ định một hoặc nhiều hệ thống thông tin tự động gửi hoặc nhận thông điệp dữ liệu thì việc gửi, nhận thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định đã nêu ở các phần trước (được xác nhận tại Điều 20, Luật giao dịch điện tử 2005).

Hợp đồng điện tử theo Pháp luật Việt Nam được quy định chặt chẽ, đảm bảo cơ sở pháp lý trong các trường hợp cần thiết khi giải quyết tranh chấp. Hợp đồng điện tử được triển khai rộng rãi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại số nói riêng và hoạt động thương mại trong nước, quốc tế nói chung. Để đi trước đón đầu tạo ưu thế cạnh tranh các đơn vị, doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng tích cực chuyển đổi áp dụng phần mềm ký hợp đồng điện tử.