Trang chủ Tin tức Hợp đồng thuê khoán là gì? Quy định về hợp đồng thuê khoán

Hợp đồng thuê khoán là gì? Quy định về hợp đồng thuê khoán

Bởi: icontract.com.vn - 07/12/2022 Lượt xem: 6291 Cỡ chữ tru cong

   Hợp đồng thuê khoán là một dạng của hợp đồng thuê tài sản. Tuy nhiên, do vị trí, tầm quan trọng của mỗi loại tài sản trong việc quản lý nhà nước, trong nền kinh tế quốc dân mà pháp luật có những chế định riêng biệt để điều chỉnh quan hệ thuê khoán tài sản. Để hiểu rõ hợp đồng thuê khoán, mời Quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây!

1. Tổng quan hợp đồng thuê khoán

hợp đồng thuê khoán 1

Tổng quan hợp đồng thuê khoán

Hợp đồng thuê khoán là loại hợp đồng dân sự mang đặc điểm chung của hợp đồng chuyển quyền sử dụng cũng như hợp đồng thuê tài sản. Do đó, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu cần hiểu rõ loại hợp đồng này để có thể bảo vệ quyền lợi cho mình.

1.1 Hợp đồng thuê khoán là gì?

Hợp đồng thuê khoán tài sản hay thường gọi là hợp đồng thuê khoán được quy định tại Điều 483, Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.”

Ví dụ: A muốn thuê một chiếc xe ô tô để làm thêm công việc tài xế nhằm tăng thu nhập cho mình. B là công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe. A tìm đến công ty B để làm hợp đồng thuê xe trong thời hạn 6 tháng. Công ty B sẽ là giao xe cho A và A sẽ khai thác công dụng của chiếc xe để hưởng lợi. Hợp đồng thuê xe giữa A và công ty B được gọi là hợp đồng thuê khoán.

1.2 Đối tượng của hợp đồng thuê khoán

Đối tượng của hợp đồng này có điểm khác biệt so với hợp đồng thuê tài sản. Vì vậy, các bên cần lưu ý để có thể lựa chọn đúng loại hợp đồng khi giao kết. Theo Điều 484, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Đối tượng của hợp đồng thuê khoán như sau:

“Đối tượng của hợp đồng thuê khoán có thể là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Ví dụ: Anh A thuê một chiếc ô tô của anh B với mục đích chở người nhà đi du lịch giá 500.000 đồng/ngày. Vì đây không thuộc đối tượng đã được liệt kê trong hợp đồng thuê khoán. Với trường hợp này, A và B phải giao kết hợp đồng thuê tài sản trong trường hợp này thay vì hợp đồng thuê khoán.

1.3 Chủ thể của hợp đồng thuê khoán

Chủ thể của hợp đồng bao gồm bên thuê khoán và bên cho thuê khoán. Theo đó, chủ thể của hợp đồng này có phạm vi hẹp hơn và có những điều kiện ràng buộc nhất định so với hợp đồng thuê thông thường. Cụ thể:

  • Bên cho thuê khoán tài sản

Tùy thuộc từng đối tượng thuê khoán cụ thể, bên cho thuê khoán có thể là các chủ thể khác nhau. Cụ thể như:

  • Đối tượng thuê là đất, rừng, mặt nước chưa khai thác thì bên cho thuê khoán có thể là:

+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất căn cứ theo quy định tại Điều 59, Luật đất đai 2013.

+ Cá nhân, hộ gia đình và các chủ thể khác có quyền sử dụng đất, rừng hợp pháp. Các chủ thể khác có quyền sử dụng đất ở đây có thể là các công ty nông, lâm nghiệp… theo quy định tại Điều 2, Nghị định 168/2016/NĐ-CP.

  • Đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác:

Bên cho thuê là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản đó. Đó là chủ thể kinh doanh như: hợp tác xã, các loại hình công ty (tư nhân, liên doanh...), hộ kinh doanh cá thể… Khi đó người tham gia giao kết hợp đồng là đại diện theo pháp luật của các công ty được ghi nhận theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ công ty hoặc người được ủy quyền tham gia ký kết.

  • Đối tượng thuê là gia súc:

Bên cho thuê phải là chủ sở hữu hợp pháp của gia súc đó hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền tham gia ký kết.

  • Bên thuê khoán tài sản

Bên thuê khoán có thể là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân, tổ hợp tác… có đủ năng lực hành vi dân sự do pháp luật quy định và có nhu cầu thuê khoán tài sản đều có thể trở thành một bên chủ thể của hợp đồng thuê khoán.

2. Đặc điểm của hợp đồng thuê khoán

hợp đồng thuê khoán 2

Đặc điểm hợp đồng thuê khoán

Vì đây là loại hợp đồng có bản chất là hợp đồng dân sự nói chung và là một dạng hợp đồng thuê tài sản nói riêng nên có một số đặc điểm sau:

  • Là hợp đồng có đền bù

Theo đó, bên cho thuê giao tài sản và chuyển quyền sử dụng, khai thác tài sản cho bên thuê, còn bên thuê có nghĩa vụ trả tiền. Khoản tiền thuê khoán tài sản do sự thỏa thuận của các bên và thường dựa trên căn cứ thời hạn thuê, vật thuê và giá trị sử dụng của vật.

Lưu ý: Nếu các bên thỏa thuận bên sử dụng tài sản thuê khoán không phải trả tiền thuê thì đó là hợp đồng mượn tài sản, không mang bản chất của hợp đồng thuê khoán tài sản.

  • Là hợp đồng song vụ

Các bên có quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau. Bên cho thuê khoán có nghĩa vụ chuyển giao tài sản thuê khoán, bảo đảm quyền sử dụng tài sản thuê khoán. Bên thuê khoán có nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê khoán đúng mục đích, không làm hư hỏng tài sản, trả tài sản và tiền thuê đúng thời hạn và đúng địa điểm như đã thỏa thuận.

  • Là hợp đồng ưng thuận

Hợp đồng thuê khoán phát sinh hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng, không phải tại thời điểm chuyển giao tài sản thuê khoán.

+ Nếu hợp đồng được giao kết dưới hình thức lời nói, hợp đồng sẽ phát sinh hiệu lực tại thời điểm các bên thỏa thuận xong về các điều khoản cơ bản của hợp đồng như xác định đối tượng tài sản, giá thuê, thời hạn thuê, mục đích sử dụng tài sản.

+ Nếu hợp đồng được giao kết bằng văn bản thì sẽ phát sinh hiệu lực vào thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

Lưu ý: Việc chuyển giao tài sản chỉ là việc thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng thuê đã phát sinh hiệu lực tại thời điểm, địa điểm mà các bên đã thỏa thuận.

  • Là hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tài sản

Bên cho thuê chuyển giao quyền sử dụng tài sản cho bên thuê, bên thuê có nghĩa vụ bảo quản tài sản và trả tiền cho bên cho thuê.

Ngoài những đặc điểm cơ bản trên, hợp đồng này còn có một số đặc điểm riêng. Cụ thể:

  • Mục đích khai thác công dụng để hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản

Khác với hợp đồng thuê tài sản nói chung, người thuê chỉ sử dụng trong mục đích tiêu dùng, sinh hoạt. Trong hợp đồng này, người thuê muốn sử dụng tài sản đó để khai thác công dụng hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, đây là đặc điểm cơ bản, tạo nên tính đặc biệt của hợp đồng này.

  • Phương thức trả tiền thuê khoán

Ngoài phương thức trả bằng tiền thì bên thuê khoán còn có thể trả bằng hiện vật hay thực hiện một công việc nào đó.

3. Hình thức hợp đồng thuê khoán

hợp đồng thuê khoán 3

Hình thức hợp đồng thuê khoán

Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định cụ thể hình thức của Hợp đồng thuê khoán. Theo tinh thần của luật các bên có thể tự lựa chọn hình thức giao kết. Tùy từng đối tượng cụ thể và trong những trường hợp nhất định mà pháp luật sẽ quy định hình thức của hợp đồng.

Hợp đồng thuê khoán phải có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nếu pháp luật có quy định. Với đối tượng thuê khoán là bất động sản, là loại tài sản chịu sự giám sát, kiểm tra của Nhà nước, pháp luật có quy định phải công chứng, chứng thực nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác tài sản thuê khoán sai mục đích sử dụng mà pháp luật đã quy định.

4. Giá và thời hạn thuê khoán

hợp đồng thuê khoán 4

Giá và thời hạn thuê khoán

Giá và thời hạn thuê khoán được pháp luật quy định như sau:

  • Giá thuê khoán

Theo Điều 485, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giá thuê khoán: “Giá thuê khoán do các bên thỏa thuận; nếu thuê khoán thông qua đấu thầu thì giá thuê khoán là giá được xác định theo kết quả đấu thầu.”.

  • Thời hạn thuê khoán

Theo Điều 485, Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Thời hạn thuê khoán do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng không rõ ràng thì thời hạn thuê khoán được xác định theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất của đối tượng thuê khoán.”.

Tuỳ thuộc vào giá trị sử dụng của vật thuê khoán mà các bên thỏa thuận về thời hạn thuê, nhưng thời hạn thuê khoán không thể thấp hơn một chu kỳ khai thác thông thường vật thuê khoán và còn phụ thuộc vào những vật chất khác mà người thuê khoán dùng để khai thác công dụng của vật thuê.

5. Quyền và nghĩa vụ của các bên

hợp đồng thuê khoán 5

Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng thuê khoán

Trong hợp đồng thuê khoán, các bên đều có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Cụ thể như sau:

5.1 Bên cho thuê khoán

Bên cho thuê khoán tài sản có những quyền và nghĩa vụ như sau:

  • Quyền bên cho thuê khoán

+ Yêu cầu bên thuê phải trả tiền thuê như thỏa thuận và đúng phương thức. Tiền thuê có thể bằng hiện vật, bằng tiền hoặc bằng việc thực hiện một công việc.

+ Yêu cầu bên thuê khai thác tài sản thuê khoán theo đúng công dụng, mục đích như đã thỏa thuận.

+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên thuê làm mất tài sản hoặc làm giảm sút giá trị quá mức khấu hao tài sản.

+ Bên cho thuê khoán có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng trong những trường hợp sau:

(1) Nếu bên thuê khoán vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình, dựa trên căn cứ đã thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Bên cho thuê đình chỉ thực hiện hợp đồng nhưng phải báo trước cho bên thuê với một khoảng thời gian hợp lý phù hợp với thời vụ hoặc chu kỳ khai thác.

(2) Nếu bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ mà việc khai thác đối tượng thuê khoán không phải là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán.

  • Nghĩa vụ bên cho thuê khoán

+ Giao tài sản cho thuê đúng thời hạn, đúng tình trạng đã thoả thuận.

+ Nếu cho thuê gia súc, trường hợp gia súc bị chết do trở ngại khách quan thì bên cho thuê khoán phải chịu một nửa số thiệt hại đó.

+ Đảm bảo quyền sử dụng cho bên thuê khoán

+ Nhận tài sản khi hết hạn hợp đồng.

5.2 Bên thuê khoán

Đối với bên thuê khoán, quyền và nghĩa vụ được xác định như sau:

  • Quyền của bên thuê khoán

+ Yêu cầu bên cho thuê giao đúng tài sản thuê khoán đã thỏa thuận

+ Được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thuê khoán trong thời hạn thuê.

+ Yêu cầu giảm, hoặc miễn tiền thuê khoán nếu hơi lợi, lợi tức bị mất ít nhất là một phần ba do sự kiện bất khả kháng.

+ Trong thời hạn thuê khoán gia súc, bên thuê khoán được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải chịu một nửa thiệt hại về gia súc thuê khoán do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Yêu cầu bên cho thanh toán cho mình những chi phí hợp lý để thay thế, cải tạo tài sản theo thỏa thuận.

  • Nghĩa vụ của bên thuê khoán

+ Phải khai thác tài sản thuê khoán đúng mục đích ban đầu mà các bên thỏa thuận và phải báo cáo với bên cho thuê khoán biết về tình trạng tài sản và tình trạng khai thác tài sản định kỳ.

+ Bên thuê khoán có nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê, bảo dưỡng tài sản thuê bằng chi phí của mình.

+ Người thuê khoán không được cho thuê khoán lại nếu không được sự đồng ý của bên cho thuê.

+ Trả tiền thuê khoán đầy đủ và đúng phương thức, kể cả trong những trường hợp không khai thác được công dụng của tài sản thuê khoán.

+ Khi chấm dứt hợp đồng, bên thuê khoán phải trả tài sản thuê khoán đúng thời gian, địa điểm như đã thỏa thuận. Nếu bên thuê khoán làm hư hỏng, hao mòn quá mức tài sản thuê theo thoả thuận thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cho thuê.

+ Khi hợp đồng bị đơn phương đình chỉ, bên thuê khoán phải trả lại tài sản. Nếu bên thuê đã đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật vào tài sản thuê khoán thì có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán những khoản chi phí đó. Ngược lại, bên thuê khoán vi phạm hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên cho thuê thì phải bồi thường thiệt hại đó.

Qua bài viết Hợp đồng thuê khoán là gì? Quy định về hợp đồng thuê khoán hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ: Tổng đài chăm sóc khách hàng số :1900 4767 – 1900 4768 Hoặc Tel : 024.3754522