Trang chủ Tin tức Thực tiễn mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại mới nhất 2024

Thực tiễn mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại mới nhất 2024

Bởi: icontract.com.vn - 20/09/2022 Lượt xem: 13062 Cỡ chữ tru cong

   Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại được quy định như thế nào? Theo Điều 301 Luật Thương mại 2005 quy định mức phạt trong vi phạm hợp đồng không quá 8% giá trị hợp đồng, tuy nhiên tại Điều 418 Bộ Luật dân sự 2015 lại quy định mức phạt vi phạm là do các bên thỏa thuận.

mức phạt 1

Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại theo quy định của Luật hiện hành.

1. Căn cứ pháp lý quy định mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại là một trong những hợp đồng dân sự có nội dung liên quan đến hoạt động thương mại gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại… nhằm mục đích sinh lợi trong đó xác lập rõ quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên tham gia. Tuy nhiên, hợp đồng thương mại có đặc điểm một hoặc các bên tham gia hợp đồng là thương nhân. 

Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại được thực hiện theo quy định tại Luật thương mại 2005 và Bộ luật dân sự 2015

1.1 Căn cứ pháp lý về mức phạt vi phạm hợp đồng theo Luật Thương mại 

Theo Điều 301, Luật Thương mại năm 2005 quy định về mức phạt vi phạm như sau:

“Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”

Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại căn cứ theo Luật Thương mại sẽ theo thỏa thuận của các bên tham gia tuy nhiên mức phạt không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

1.2 Căn cứ pháp lý mức phạt vi phạm hợp đồng theo Bộ Luật dân sự 2015

Theo Điều 418, Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về thực hiện hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm:

“Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm

1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại”

Theo Bộ Luật dân sự 2015 thì mức phạt vi phạm hợp đồng sẽ do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, luật cũng nêu rõ trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

mức phạt 2

Mức phạt hợp đồng thương mại căn cứ theo Luật Thương mại.

Có thể thấy tại Bộ Luật Dân sự 2005 đã nêu rõ mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Khi xét mức phạt vi phạm hợp đồng người ta sẽ căn cứ vào chủ thể, nội dung, đối tượng của hợp đồng. Cụ thể:

  • Hợp đồng giao kết vì mục đích tiêu dùng sinh hoạt của hai cá nhân, tổ chức thì sẽ áp dụng mức phạt theo Bộ luật dân sự 2015
  • Hợp đồng giao kết mà có một hoặc các bên chủ thể là thương nhân với mục đích mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, kinh doanh sinh lợi… thì sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005.

Do đó, trong trường hợp vi phạm hợp đồng thương mại sẽ căn cứ theo Luật Thương mại 2005. Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại do các bên tự thỏa thuận tuy nhiên sẽ không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Lưu ý: 

Trong trường hợp phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết quả giám định sai (khách hàng có nghĩa vụ chứng minh kết quả giám định sai và lỗi của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định):

  • Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.
  • Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi cố ý của mình thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng trực tiếp yêu cầu giám định.

Nếu các bên tham gia hợp đồng thương mại có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

2. Thực tiễn mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại tối đa và nội dung liên quan

Căn cứ theo Luật Thương mại 2005 thì mức phạt hợp đồng tối đa không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm hoặc không cao hơn gấp 10 lần thù lao dịch vụ giám định. Tại Luật Xây dựng 2014 thì mức phạt không quá 12% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm.

Trên thực tế, khi xét xử tranh chấp đối với nhiều hợp đồng thương mại thỏa thuận mức phạt vi phạm cao hơn so với mức phạt được quy định, Tòa án sẽ thường ấn định mức phạt tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm mà không có lập luận gì nhiều về phần vượt quá. Điều này có nghĩa các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm cao hơn khi xảy ra tranh chấp và cần đến Tòa án để giải quyết thì mức phạt cao hơn 8% này được cho là không phù hợp và không có hiệu lực pháp lý.

Hiện vẫn chưa có văn bản quy định thống nhất các mức phạt trần đối với việc vi phạm hợp đồng nói chung, mức phạt vi phạm đang được lấy theo quy định trong luật liên quan. Trong thời gian tới, để có bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật và dễ dàng trong việc xử lý các tranh chấp hy vọng rằng Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ có hướng dẫn xử lý cụ thể đối với trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá “mức trần” mà luật liên quan quy định. 

Trên đây là thông tin về mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại và một vài ý kiến thực tiễn liên quan đến mức phạt tối đa đối với việc vi phạm hợp đồng. Cá nhân, tổ chức trong trường hợp ký hợp đồng thương mại cần tính toán kỹ lưỡng và đưa ra các mức phạt phù hợp. Trong trường hợp hợp đồng có giá trị lớn các bên có thể đưa thêm các điều khoản về việc bồi thường thiệt hại vi phạm hợp đồng cùng với mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại để đảm bảo các bên thực hiện nghĩa vụ của mình một cách có trách nhiệm.