Trang chủ Tin tức Điều khoản thanh toán trong hợp đồng bao gồm những gì ?

Điều khoản thanh toán trong hợp đồng bao gồm những gì ?

Bởi: icontract.com.vn - 11/01/2023 Lượt xem: 17835 Cỡ chữ tru cong

   Điều khoản thanh toán trong hợp đồng là nội dung không thể thiếu nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên khi tham gia giao kết. Vậy, khi doanh nghiệp, đơn vị soạn thảo hợp đồng nội dung điều khoản thanh toán trong hợp đồng gồm những gì? 

điều khoản 1

Điều khoản thanh toán trong hợp đồng.

1. Các nội dung chính trong hợp đồng theo quy định của Pháp luật 

Nội dung của hợp đồng là do các bên cùng thỏa thuận. Tùy từng loại hợp đồng cụ thể mà nội dung của hợp đồng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ, khi soạn thảo hợp đồng cần lưu ý các nội dung theo Khoản 2, Điều 398, Bộ luật dân sự 2015 gồm:

  • Đối tượng của hợp đồng;
  • Số lượng, chất lượng;
  • Giá, phương thức thanh toán;
  • Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
  • Quyền, nghĩa vụ của các bên;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
  •  Phương thức giải quyết tranh chấp.

Phương thức thanh toán trong hợp đồng là nội dung quan trọng đặc biệt là đối với hợp đồng hợp đồng thương mại. Thông thường phương thức thanh toán được quy định thành các điều khoản riêng trên cơ sở thống nhất giữa các bên tham gia giao kết.

2. Điều khoản thanh toán trong hợp đồng

Các điều khoản thanh toán trong hợp đồng có thể là: thời hạn thanh toán; đồng tiền thanh toán; địa điểm thanh toán; phương thức thanh toán, hệ quả nếu chậm thanh toán, hay các chế tài trong trường hợp chậm thanh toán.

2.1 Thời hạn thanh toán trong hợp đồng 

Trong hợp đồng cần quy rõ thời hạn thanh toán. Nếu là hợp đồng thương mại thì phải có các điều khoản quy định về thời gian bên mua thanh toán cho bên bán. Hoặc nếu là hợp đồng lao động thì là thời gian bên sử dụng lao động thanh toán tiền công cho bên lao động; nếu là hợp đồng thuê tài sản thì bên đi thuê thanh toán cho bên cho thuê…

điều khoản 2

Thời hạn thanh toán trong hợp đồng linh động theo thỏa thuận.

(1).Ví dụ thời hạn thanh toán trong hợp đồng thương mại 

Thời hạn thanh toán trong mua bán hàng hóa có thể là thanh toán trước hoặc thanh toán sau khi nhận được hàng, trả khi nhận hàng hoặc kết hợp cả 3 hình thức trên. Trên thực tế, đối với các giao dịch có giá trị lớn để đảm bảo lợi ích cho các bên, linh hoạt trong quá trình thanh toán thì các bên thường thỏa thuận thanh toán theo nhiều giai đoạn khác nhau cả trước, trong và sau khi nhận hàng.

Cụ thể: Bên mua thanh toán trước cho bên bán 25% giá trị hàng hóa (khoản cọc để đảm bảo nhận hàng hóa). Tiếp theo bên mua thanh toán 50% giá trị hàng hóa ngay tại thời điểm nhận được hàng hoặc chứng từ thanh toán. Cuối cùng sau khi nhận hàng được 7 ngày, bên mua thanh toán tiếp 25% giá trị hàng hóa còn lại. Tỷ lệ thanh toán giữa các giai đoạn có thể thay đổi tùy vào các bên thỏa thuận.

(2) Ví dụ thời hạn thanh toán trong hợp đồng lao động

Thời hạn thanh toán có thể quy định theo tuần hoặc theo tháng hoặc theo quý ví dụ như:

  • Thanh toán tiền công/ tiền lương vào ngày 15 và ngày 30 hàng tháng, nếu ngày thanh toán rơi vào ngày nghỉ thì ngày thanh toán là ngày liền trước với ngày thanh toán đã quy định.
  • Thanh toán vào ngày 25 hàng tháng;
  • Hoặc thanh toán vào ngày làm việc cuối cùng của các quý;

(3) Ví dụ thời hạn thanh toán trong hợp đồng thuê tài sản

Tùy vào mục đích thuê tài sản, thời hạn thanh toán trong hợp đồng thuê tài sản thường là thanh toán theo tuần, theo tháng, thanh toán vào ngày trả tài sản… trong trường hợp thuê tài sản thì bên cho thuê thường đề nghị bên thuê đặt cọc để tránh rủi ro.

2.2 Điều khoản thanh toán trong hợp đồng về đồng tiền thanh toán

Bên cạnh thời hạn thanh toán các điều khoản thanh toán trong hợp đồng về đồng tiền thanh toán cũng rất quan trọng. Do giá trị của các đồng tiền khác nhau nên các bên cần thống nhất về đồng tiền thanh toán là tiền Việt Nam Đồng, tiền Yên Nhật, tiền Đô La Mỹ, tiền Tệ Trung Quốc… 

2.3 Phương thức thanh toán và địa điểm thanh toán

Phương thức và địa điểm thanh toán có mối liên hệ tương quan với nhau. Các bên lựa chọn phương thức thanh toán theo cách nào thì địa điểm thanh toán có thể thay đổi để phù hợp với phương thức thanh toán đã chọn. Trong hợp đồng các bên cần có các điều khoản quy định rõ về phương thức, địa điểm thanh toán để thuận tiện cho cả 2 bên.

  • Phương thức thanh toán bằng chuyển khoản,
  • Phương thức thanh toán bằng tiền mặt
  • Phương thức thanh toán quẹt thẻ/ quẹt post 

Trường hợp nếu thanh toán bằng chuyển khoản thì chuyển khoản về tài khoản nào, của ngân hàng nào. Trường hợp thanh toán bằng tiền mặt thì địa điểm thanh toán ở trụ sở của người mua hay người bán và ai là người nhận…

2.4 Phạt chậm thanh toán

Điều khoản quy định về phạt chậm thanh toán thường bị bỏ qua. Tuy nhiên đây lại là điều khoản quan trọng để bên bán, bên cho thuê hay người lao động không bị thiệt hại khi thanh toán chậm. Đây là điều khoản giúp các bên thực hiện nghĩa vụ của mình một cách nghiêm túc và tránh tranh chấp xảy ra.

điều khoản 3

Các điều khoản về phạt chậm thanh toán.

Ví dụ: 

  • Trường hợp thanh toán chậm lãi suất là 18%/năm. Thời gian thanh toán lãi suất vào ngày 25 hàng tháng.
  • Trường hợp thanh toán chậm lãi suất là 12%/năm. Thời gian thanh toán lãi suất khi thanh toán tiền hàng.

Tùy vào từng loại hợp đồng cụ thể sẽ có những quy định riêng về vấn đề phạt chậm thanh toán/ phạt không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trường hợp thuộc các lĩnh vực đặc thù có những quy định riêng, thỏa thuận trong hợp đồng cần tuân thủ theo thỏa thuận giữa các bên và tuân thủ theo quy định riêng của Luật liên quan.

Ví dụ: Tại Điều 301, Luật Thương mại 2005 quy định về mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng:

“Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”

Như vậy, mức phạt chậm thanh toán trong hợp đồng thương mại không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm.

2.5 Trường hợp bất khả kháng dẫn đến thanh toán chậm 

Trong nội dung hợp đồng nên có điều khoản quy định rõ ràng về trường hợp bất khả kháng để tránh rủi ro cho các bên. Trường hợp bất khả kháng là các sự kiện xảy ra theo quy định tại Khoản 1, Điều 156, Bộ luật dân sự 2015:

“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”

Các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh, các thay đổi của chính sách pháp luật… khiến bên có nghĩa vụ thanh toán không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự của mình dẫn đến thanh toán chậm cần được quy định cụ thể như:

  • Thời gian chậm thực hiện thanh toán là bao lâu (hoặc được tính như thế nào);
  • Trường hợp thanh toán chậm (chậm quá thời hạn đã gia hạn theo quy định khi xảy ra trường hợp bất khả kháng) thì tính lãi như thế nào;
  • Mức phạt đối với việc chậm thanh toán; 
  • Bên còn lại có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng;

Trong trường hợp các bên giao kết là hợp đồng thương mại có thể thực hiện theo thỏa thuận và theo Điều 296, Luật Thương mại 2005 quy định về việc kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng. 

Trên đây là thông tin về nội dung điều khoản thanh toán trong hợp đồng mà trước khi thực hiện giao kết hợp đồng điện tử doanh nghiệp, người lao động hay các thương nhân cần nắm được. Các điều khoản thanh toán sẽ giúp các bên tránh được các tranh chấp, rủi ro khi thực hiện hợp đồng đặc biệt là hợp đồng thương mại.