Trang chủ Tin tức Các dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng

Các dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng

Bởi: icontract.com.vn - 09/06/2022 Lượt xem: 15912 Cỡ chữ tru cong

Khi ký, thực hiện hợp đồng thương mại hoặc bất cứ hợp đồng mua bán, hợp tác làm ăn, các bên có thể phải chịu những rủi ro nhất định. Dưới đây là các dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng cần đặc biệt lưu ý để hạn chế tổn thất không đáng có. 

rủi ro hợp đồng 1
Các dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng

1. Nguyên nhân xuất hiện rủi ro 

Có rất nhiều nguyên nhân xuất hiện rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại, hợp đồng mua bán hay hợp đồng hợp tác làm ăn. Các rủi ro thông thường liên quan đến hư hỏng hàng hóa, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên hay rủi ro thanh toán hàng hóa…

Phân tích nguyên nhân xuất hiện rủi ro sẽ khiến người tham gia tránh được những hậu quả đáng tiếc gây thiệt hại về tài chính hoặc mối quan hệ giữa các bên. Nguyên nhân xuất hiện rủi ro này có thể phân chia thành các loại gồm:

1.1 Nguyên nhân chủ quan 

Nguyên nhân chủ quan đến từ nội dung hợp đồng mua bán. Trong khi thỏa thuận về hợp đồng các bên đã không thỏa thuận rõ về các mục như thời gian giao nhận, địa điểm giao nhận, hình thức thanh toán, bên chịu trách nhiệm hoặc loại trừ trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra… 

Có thể thấy nguyên nhân chủ quan là do một hoặc cả hai bên không nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ các điều khoản để bảo vệ quyền, ích hợp pháp của chính mình.

1.2 Nguyên nhân khách quan

Nguyên nhân khách quan thường đến từ bên ngoài có thể là do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, thiên tai, các chính sách pháp luật như giá cả, chính trị, hợp tác của Chính phủ… 

Ví dụ: 

  • Ngập lụt khiến cho không thể triển khai xây dựng bàn giao công trình đúng thời gian, hỏa hoạn khiến hàng hóa bị cháy, 
  • Chính sách hạn chế đi lại do dịch bệnh, 
  • Chính sách tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản… 

Những nguyên nhân khách quan thường đến bất ngờ khó lường trước được và ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của cả bên mua và bên bán.  

Như vậy, việc phân tích nguyên nhân, nhận diện rủi ro là rất cần thiết. Các bên khi ký và thực hiện hợp đồng cần phải có cái nhìn bao quát và toàn diện phân tích các rủi ro có thể gặp đối với từng hợp đồng mua bán, hợp đồng thương mại có cái nhìn bao quát, toàn diện để đưa các nội dung phù hợp, chi tiết vào hợp đồng, bảo vệ quyền lợi của mình.

2. Các dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng

Để giúp các bên có thể tránh được thiệt hại cả về kinh tế và nguồn lực. Dưới đây là các dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán, hợp đồng hợp tác làm ăn mà bạn cần nắm được. 

rủi ro hợp đồng 2

Nội dung, điều khoản hợp đồng là căn cứ để giải quyết tranh chấp và xử lý rủi ro.

(1) Rủi ro liên quan tới chủ thể tham gia giao kết hợp đồng

Đây là rủi ro rất dễ gặp phải khi thực hiện hợp đồng, theo đó chủ thể ký hợp đồng là người không đủ điều kiện và quyền hạn ký, dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu. Cụ thể:

  • Người ký vào hợp đồng mua bán, hợp tác, thương mại không phải là người đại diện có thẩm quyền của công ty/doanh nghiệp. 
  • Người ký không phải là người được ủy quyền hoặc có ủy quyền nhưng vượt quá phạm vi ủy quyền khi thực hiện ký kết hợp đồng.
  • Người ký hợp đồng không có đủ năng lực/ hành vi dân sự để giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật. 

Trong trường hợp chủ thể ký hợp đồng thuộc một trong các trường hợp trên thì sẽ dẫn tới hợp đồng vô hiệu. Khi này sẽ có rất nhiều rủi ro cho bên đối tác nếu xảy ra tranh chấp hoặc chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng.

(2) Rủi ro về đối tượng của hợp đồng

Đối với một số hợp đồng mua bán cần đặc biệt lưu ý về sản phẩm, đối tượng mua bán. Có rất nhiều trường hợp đối tượng mua bán nằm trong danh sách cấm mua bán hoặc hạn chế mua bán tự do.

Ví dụ: Pháo nổ, chất kích thích, thuốc thuộc nhóm hàng đặc biệt, các loại động vật quý hiếm, Giống cây trồng không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh… 

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu đối tượng mua bán nằm trong danh sách bị pháp luật cấm hoặc hạn chế, hoặc không đủ điều kiện để mua bán các bên có thể sẽ phải đối mặt với các rủi ro bị thu giữ các sản phẩm, phạt hoặc chịu trách nhiệm hình sự... 

(3) Rủi ro về mặt hình thức của hợp đồng 

Rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng về hình thức của hợp động có thể là:

  • Hợp đồng không thuộc các hình thức được pháp luật quy định;
  • Khi ký kết hợp đồng không được công chứng/ chứng thực theo quy định của pháp luật;
  • Đối với những loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản theo quy định của pháp luật nhưng lại không xác lập hợp đồng thành văn bản.

Nếu trường hợp các bên thành lập hợp đồng dưới hình thức không phù hợp như trên thì hợp đồng vô hiệu.

(4) Rủi ro liên quan đến nội dung, điều khoản của hợp đồng

Rủi ro liên quan đến nội dung điều khoản của hợp đồng là dạng rủi ro các cá nhân, tổ chức thường xuyên gặp phải nhất. Nếu nội dung, điều khoản hợp đồng mua bán không quy định cụ thể, chi tiết các trường hợp xảy ra sẽ dẫn đến tranh chấp khi phát sinh vấn đề trong quá trình thực hiện. Các rủi ro liên quan đến nội dung, điều khoản được chia thành:

a) Rủi ro về điều khoản đối tượng:

Điều khoản về đối tượng của hợp đồng là điều khoản bắt buộc phải có khi các bên thỏa thuận, giao kết hợp đồng. Các rủi ro thường gặp như rủi ro liên quan tới việc mô tả đặc điểm, tính chất của hàng hóa không rõ ràng, nội dung không quy định về chi tiết chủng loại, số lượng hay quy cách đóng gói…

Khi tranh chấp xảy ra, sẽ không có căn cứ xác định bên cung cấp hàng hóa đã thực hiện đúng thỏa thuận hay chưa. Theo đó, khó xác định trách nhiệm, bên mua có thể chịu thiệt hại.

b) Rủi ro về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng:

Nội dung về điều khoản bất khả kháng là nội dung thường bị nhiều bên bỏ qua trong hợp đồng do trường hợp bất khả kháng thường ít khi xảy ra. Cụ thể như:

  • Không quy định về trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng
  • Chỉ nêu định nghĩa về trường hợp bất khả kháng mà không chỉ rõ 
  • Không nêu đầy đủ các trường hợp được miễn trách nhiệm khi gặp trường hợp bất khả kháng

Nếu xảy ra trường hợp bất khả kháng mà hợp đồng không quy định sẽ gây tranh chấp và thiệt hại cho người mua và người bán.

c) Rủi ro liên quan tới khả năng thanh toán:

Rủi ro liên quan tới khả năng thanh toán là dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong đó, một bên đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nhưng bên còn lại không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ. 

Trong hợp đồng mua bán cần có nội dung điều khoản quy định rõ về thời gian thanh toán, mức thanh toán, các kỳ thanh toán… và trường hợp phạt khi vi phạm các điều khoản về thanh toán. Hợp đồng mua bán có đầy đủ nội dung về thanh toán sẽ tránh được tình trạng nợ khó đòi, mất cân đối thu chi. 

rủi ro hợp đồng 5

Rủi ro liên quan đến khả năng thanh toán. 

d) Rủi ro về điều khoản giải quyết tranh chấp:

Nội dung về điều khoản giải quyết tranh chấp rất quan trọng khi các bên xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên các bên thường bỏ qua do chỉ chú ý đến các điều khoản về hàng hóa, thời gian bàn giao hay thanh toán. Các bên cần thống nhất trường hợp xảy ra tranh chấp sẽ xử lý thế nào, giải quyết theo luật của nước nào (đặc biệt quan trọng với hợp đồng mua bán xuất nhập khẩu hay một trong các bên là người nước ngoài). 

e) Rủi ro về điều khoản phạt vi phạm và điều khoản bồi thường:

Hợp đồng cần phải có nội dung và điều khoản nêu rõ mức phạt, cơ sở tính mức phạt khi không thực hiện đúng hợp đồng. Các điều khoản phạt cũng giúp các bên có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện đúng hợp đồng. 

Nếu không có các khoản phạt vi phạm vi phạm hợp đồng, hoặc bồi thường thiệt hại sẽ rất khó xử lý khi có tranh chấp hoặc khi các bên không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm.

g) Rủi ro do đối tác vi phạm nghĩa vụ hợp đồng:

Rủi ro do đối tác vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thường là: 

  • Một trong các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng
  • Chủ thể thực hiện nghĩa vụ nhưng không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ theo các nghĩa vụ được thỏa thuận ban đầu.

Để tránh rủi ro gây thiệt hại cho các bên trong hợp đồng cần có nội dung về điều khoản vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cần xử lý như thế nào, mức phạt đối với từng trường hợp cụ thể.

Như vậy, các dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng rất nhiều và đa dạng. Trước khi thực hiện ký kết hợp đồng mua bán, hợp đồng thương mại, hợp tác làm ăn các bên cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng các trường hợp có thể xảy ra và đưa vào nội dung, điều khoản của hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của các bên.

>>> Tin liên quan: