Trang chủ Tin tức Điều khoản bảo mật trong hợp đồng doanh nghiệp cần lưu ý

Điều khoản bảo mật trong hợp đồng doanh nghiệp cần lưu ý

Bởi: icontract.com.vn - 09/02/2023 Lượt xem: 7619 Cỡ chữ tru cong

   Điều khoản bảo mật trong hợp đồng là nội dung doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý khi giao kết hợp đồng thương mại. Trong nhiều trường hợp các điều khoản bảo mật sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro về tài chính, bảo vệ lợi ích khi phải tiết lộ thông tin trong quá trình giao kết hợp đồng.

bảo mật 1

Điều khoản bảo mật trong hợp đồng doanh nghiệp.

1. Tầm quan trọng của các điều khoản bảo mật trong hợp đồng 

Điều khoản bảo mật trong hợp đồng có thể hiểu là các điều khoản giữ bí mật từ thông tin có được khi phát sinh giao kết hợp đồng. Theo đó, một bên khi có được một số loại thông tin nhất định của bên còn lại thì sẽ có trách nhiệm bảo mật những thông tin đó. Điều khoản bảo mật trong hợp đồng không phải là một điều khoản bắt buộc nhưng ngày càng được chú trọng và xuất hiện trong hầu hết các hợp đồng. 

Trên thực tế khi giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại có rất nhiều thông tin quan trọng phải công khai cung cấp cho đối tác. Thông qua các thông tin này, đối thủ cạnh tranh có thể lợi dụng để “tấn công” gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Các điều khoản bảo mật trong hợp đồng có tầm quan trọng đặc biệt:

  • Đảm bảo các thông tin quan trọng không bị tiết lộ;
  • Trong trường hợp bị tiết lộ, bên tiết lộ vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu phạt vi phạm và đền bù cho hành vi không bảo mật thông tin;
  • Tạo sự ràng buộc bảo vệ quyền nghĩa vụ cho các bên, tạo điều kiện cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách thuận lợi nhất.
  • Giảm rủi ro cạnh tranh cho doanh nghiệp, đơn vị;
  • Tạo động lực cho các bên đẩy mạnh giao kết hợp đồng thương mại, phát triển sáng tạo.

Vậy điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng được pháp luật quy định như thế nào? nội dung các điều khoản bảo mật và cần lưu ý điều gì khi giao kết hợp đồng? 

2. Điều khoản bảo mật trong hợp đồng được pháp luật quy định trong nhiều văn bản khác nhau

Mặc dù các điều khoản bảo mật trong hợp đồng không bắt buộc, tuy nhiên khi giao kết hợp đồng doanh nghiệp cần xây dựng một cách chỉn chu và chặt chẽ. Các điều khoản bảo mật trong hợp đồng càng chặt chẽ, chi tiết thì hiệu quả bảo mật thông tin càng cao. 

Điều khoản bảo mật trong hợp trong hợp đồng được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật lao động 2019, Luật Thương mại 2005; Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cụ thể:

  • Theo Khoản 2, Điều 21, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
  • Theo Khoản 4, Điều 289, Luật Thương mại 2005: Trừ các thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có nghĩa vụ giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng kết thúc hoặc chấm dứt.
  • Bên cạnh đó, Điểm C, Khoản 3, Điều 6, Luật sở hữu trí tuệ 2005 (Sửa đổi, bổ sung 2009) quy định như sau: Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập dựa trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật đó.

Ngoài ra tại Điểm b, Khoản 1, Điều 45 của Luật Cạnh tranh 2018 đề cập đến việc cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó cấm các hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới hình thức tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

3. Nội dung điều khoản bảo mật trong hợp đồng và 2 lưu ý quan trọng

Với các ngành nghề khác nhau, lĩnh vực khác nhau thì nội dung điều khoản bảo mật trong hợp đồng cũng khác nhau. Tùy từng loại hợp đồng ký kết mà doanh nghiệp cần có những thỏa thuận về điều khoản bảo mật thông tin cho phù hợp.

bảo mật 2

Nội dung điều khoản bảo mật trong hợp đồng.

3.1 Nội dung điều khoản bảo mật hợp đồng 

Khi giao kết hợp đồng thương mại, hay các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng lao động, hợp đồng nghiên cứu ứng dụng khoa học… nội dung điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng thông thường sẽ bao gồm:

  • Đối tượng, các thông tin cần bảo mật: Ví dụ như danh sách khách hàng, công nghệ áp dụng, quy trình sản xuất, các số liệu nghiên cứu khoa học; giá cả mua bán… 
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc bảo mật thông tin: Quy định rõ ràng, cụ thể về phạm vi tiếp cận và sử dụng thông tin (ai là người được biết về thông tin, ai là người chịu trách nhiệm khi thông tin bị tiết lộ…).
  • Thời gian bảo mật thông tin: Ví dụ bảo mật thông tin đến khi kết thúc hợp đồng hoặc thời hạn bảo mật thông tin là 3 năm sau khi bàn giao sản phẩm.
  • Xử phạt, bồi thường thiệt hại khi vi phạm bảo mật thông tin: Ví dụ xử phạt 15% giá trị hợp đồng và bồi thường 100% thiệt hại do vi phạm quy định bảo mật thông tin.
  • Nội dụng loại trừ trách nhiệm bảo mật thông tin: Trong một số trường hợp đặc biệt, bên tiếp nhận thông tin sẽ được loại trừ trách nhiệm và không phải bồi thường thiệt hại nếu tiết lộ thông tin. Ví dụ gặp trường hợp bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn một phần dữ liệu bị tiết lộ hoặc các bên phát sinh thống nhất công khai thông tin trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Doanh nghiệp cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà soạn thảo nội dung điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng cho phù hợp. Các nội dung điều khoản bảo mật cần đảm bảo không trái với quy định của pháp luật thương mại, pháp luật về lao động và các luật liên quan khác.

3.2 Hai lưu ý quan trọng liên quan đến bảo mật trong hợp đồng 

Có hai lưu ý quan trọng về điều khoản bảo mật trong hợp đồng lao động mà rất nhiều doanh nghiệp không để ý hoặc không làm rõ dẫn đến việc rù giao kết hợp đồng có các điều khoản bảo mật vẫn xảy ra rủi ro. 

bảo mật 3

Luật sư hỗ trợ soạn thảo hợp đồng .

(1) Lưu ý về đối tượng bảo mật

Không phải đối tượng thông tin nào cũng cần bảo mật, thông tin bảo mật thường là những thông tin thể hiện bản chất của giao dịch. Doanh nghiệp cần làm rõ các thông tin được bảo mật và quy định cụ thể.

Ví dụ: 

  • Khi giao kết hợp đồng sản xuất, gia công sản phẩm thì bên nhận sản xuất, gia công sẽ có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin về quy trình sản xuất gia công. 
  • Khi nhượng quyền thương mại công thức pha chế đồ uống đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại thì bên được nhượng quyền có trách nhiệm giữ bí mật về bí mật pha chế đồ uống được nhượng quyền.

Trong trường hợp xảy ra các vấn đề phát sinh hoặc sự cố thì nghĩa vụ bảo mật thông tin có thể sẽ không được áp dụng đối với những thông tin mà bên nhận thông tin bắt buộc phải cung cấp cho bên thứ ba theo quy định pháp luật. Các thông tin này có thể là thông tin cung cấp cho sở giao dịch chứng khoán hoặc cho các cơ quan điều tra (VD: thông tin danh sách khách hàng, số điện thoại…).

(2) Lưu ý về hạn chế liên quan đến hiệu lực pháp lý

Điều khoản bảo mật thông tin bị hạn chế về tính độc lập. Hợp đồng vô hiệu hoặc hủy hợp đồng kéo theo các điều khoản quy định trong hợp đồng cũng vô hiệu trừ điều khoản về thỏa thuận trọng tài. Lúc này, các bên không có bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào phát sinh từ hợp đồng (nghĩa vụ bảo mật) mà chỉ có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc vô hiệu như bồi thường thiệt hại do đó việc tiết lộ thông tin sẽ không phải chịu trách nhiệm hoặc phải bồi thường. Điều này dẫn đến rủi ro rất lớn cho nhiều doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng.

Bên cạnh đó, một hạn chế khác doanh nghiệp cần lưu ý đó là tính phụ thuộc vào pháp luật. Đối với một số hợp đồng thương mại bị phụ thuộc và điều chỉnh bởi cả Pháp luật của Việt Nam và Pháp luật nước ngoài. Do đó mà nhiều trường hợp các điều khoản bảo mật có thể bị từ chối. 

(3) Giải pháp khắc phục

Hiện pháp luật chưa ghi nhận tính duy trì đối với điều khoản bảo mật do đó doanh nghiệp cần có các biện pháp bảo vệ thông tin một cách cụ thể và hiệu quả. Giải pháp khắc phục được cho là hiệu quả mà nhiều doanh nghiệp hiện đang áp dụng đó là các bên ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin độc lập.

Khi ký thỏa thuận bảo mật độc lập giúp bên cung cấp thông tin loại bỏ rủi ro về tính độc lập và tính duy trì của điều khoản bảo mật ở hầu hết trường hợp. Hợp đồng vô hiệu hoặc hủy hợp đồng thì các điều khoản bảo mật vẫn còn giá trị pháp lý do thông tin không bị ràng buộc bởi hợp đồng bị tuyên vô hiệu, mà bởi chính thỏa thuận bảo mật được các bên ký kết độc lập.

Thông qua chia sẻ về điều khoản bảo mật trong hợp đồng hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp, đơn vị có thể chủ động trong việc bảo vệ lợi ích và tránh rủi ro về thông tin khi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp các thông tin có giá trị thương mại lớn doanh nghiệp nên nhờ sự tư vấn hỗ trợ của các luật sư khi soạn thảo hợp đồng và các điều khoản bảo mật trong hợp đồng.