Trang chủ Tin tức Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì? Cập nhật tin tức mới nhất

Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì? Cập nhật tin tức mới nhất

Bởi: icontract.com.vn - 04/01/2023 Lượt xem: 5174 Cỡ chữ tru cong

Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì? Hợp đồng mua bán hàng hóa là một trong những loại hợp đồng thương mại. Về lý luận, hợp đồng mua bán hàng hóa là một dạng của hợp đồng dân sự và là một trong những loại của hợp đồng mua bán tài sản. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại có những đặc thù riêng khác biệt với hợp đồng dân sự và hợp đồng mua bán tài sản. Để hiểu rõ hơn về hợp đồng mua bán hàng hóa là gì, mời Quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây!

1. Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?

hợp đồng mua bán 1

Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì.

Để hiểu được hợp đồng mua bán hàng hóa là gì, trước tiên cần hiểu mua bán hàng hóa được định nghĩa là gì? Theo Khoản 8, Điều 3, Luật thương mại 2005: “Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.”.

Các văn bản Pháp luật hiện hành Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa, nhưng dựa trên khái niệm chung về hợp đồng dân sự (Điều 385, Bộ luật Dân sự 2015), khái niệm hợp đồng mua bán tài sản (Điều 430, Bộ luật Dân sự 2015) và khái niệm mua bán hàng hóa (Khoản 8, Điều 3, Luật thương mại 2005) có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:

“Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận”.

Căn cứ vào các yếu tố chủ thể, đối tượng, nơi xác lập và thực hiện hợp đồng, hợp đồng mua bán hàng hóa được chia thành:

+ Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước;

+ Hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài (hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế).

2. Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa

hợp đồng mua bán 2

Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa chủ yếu là thương nhân

Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa là gì? Hợp đồng mua bán hàng hóa là một dạng của hợp đồng dân sự và là một trong những loại của hợp đồng mua bán tài sản. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại có những đặc thù riêng khác biệt với hợp đồng dân sự và hợp đồng mua bán tài sản.

2.1 Chủ thể của hợp đồng mua bán

Hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các chủ thể yếu là thương nhân. Theo Khoản 1, Điều 6, Luật thương mại năm 2005: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.”.

Căn cứ vào Khoản 3, Điều 1, Luật Thương mại, thì ngoài chủ thể là thương nhân, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa. Khi đó, hoạt động của bên chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa phải tuân theo Luật thương mại khi chủ thể này lựa chọn áp dụng Luật thương mại.

2.2 Hình thức của hợp đồng mua bán

Căn cứ vào Điều 24, Luật Thương mại 2005 quy định về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa như sau: 

“1. Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.”

Ví dụ đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, theo Khoản 2, Điều 27, Luật Thương mại 2005 quy định như sau: Mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

2.3 Đối tượng của hợp đồng mua bán

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa. Theo Khoản 2, Điều 3, Luật Thương mại 2005, hàng hóa bao gồm: 

  • Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai
  • Những vật gắn liền với đất đai
  • Như vậy có thể thấy, hàng hóa là đối tượng hợp đồng mua bán hàng hóa, có thể là hàng hóa hiện đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ có trong tương lai. Hàng hóa có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại và có tính thương mại sinh lời.

2.4 Nội dung của hợp đồng mua bán

Mục đích chủ yếu của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa là sinh lời. Đặc điểm này xuất phát và gắn liền với đặc điểm về chủ thể chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hóa là thương nhân. Do trong lý thuyết lẫn thực tế, thương nhân sẽ thường xuyên thực hiện hoạt động thương mại (trong đó có hoạt động mua bán hàng hóa) với mục đích sinh lời.

Dựa theo tinh thần của Luật thương mại năm 2005, đây là luật chủ yếu được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ mua bán giữa các thương nhân với nhau nhằm mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, Luật thương mại cũng được áp dụng với quan hệ mua bán khi một bên không nhằm mục đích lợi nhuận, nếu bên không nhằm mục đích lợi nhuận đó chọn áp dụng Luật thương mại.

3. Điều kiện có hiệu lực hợp đồng mua bán hàng hóa

hợp đồng mua bán 3

Hàng hóa không bị cấm kinh doanh theo quy định pháp luật.

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa là gì? Hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực khi tuân theo các quy định sau:

Thứ nhất, Hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết phải tuân theo các nguyên tắc chung được quy định tại Điều 3, Bộ luật Dân sự 2015: tự nguyện, tự do, trung thực, thiện chí, hợp tác, đôi bên cùng có lợi.

Thứ hai, Chủ thể tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa phải có năng lực chủ thể để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Các thương nhân trong hợp đồng mua bán hàng hóa phải đáp ứng điều kiện có đăng ký kinh doanh hợp pháp với hàng hóa được mua bán. Ngoài ra, thương nhân còn phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh đối với các sản phẩm hàng hóa có điều kiện kinh doanh.

Thứ ba, Đại diện của các bên giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa phải đúng thẩm quyền. Đại diện hợp pháp của chủ thể hợp đồng có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Nếu người không có quyền đại diện giao kết, thực hiện hợp đồng sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với các bên, trừ trường hợp được người đại diện hợp pháp của bên được đại diện chấp thuận.

Thứ tư, Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. hàng hóa là đối tượng của hợp đồng không bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, Hình thức hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Để hợp đồng có hiệu lực, nội dung hợp đồng phải được xác lập theo quy định tại Điều 24, Luật thương mại năm 2005 về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa. 

4. Nghĩa vụ cơ bản của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá

hợp đồng mua bán 4

Bên mua phải nhận hàng và thanh toán hàng cho bên bán

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, bên cạnh những nghĩa vụ do bên bán và bên mua thỏa thuận thì còn có những nghĩa vụ do pháp luật quy định:

  • Nghĩa vụ cơ bản của bên bán

Nghĩa vụ cơ bản của bên bán bao gồm: 

+ Giao hàng đúng đối tượng và chất lượng

+ Giao đúng số lượng hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng

+ Giao chứng từ kèm theo hàng hóa.

+ Giao hàng đúng thời hạn và địa điểm

+ Kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng:

+ Đảm bảo quyền sở hữu đối với hàng hóa mua bán và chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua.

+ Chịu rủi ro theo thỏa thuận

+ Nghĩa vụ bảo hành hàng hóa

  • Nghĩa vụ cơ bản của bên mua

Nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền là nghĩa vụ cơ bản của bên mua:

+ Nghĩa vụ nhận hàng: Bên mua tiếp nhận hàng hóa từ bên bán. Tuy nhiên, bên bán phải chịu trách nhiệm đối với khiếm khuyết của hàng hóa đã được giao theo thỏa thuận. Nếu bên bán sẵn sàng giao hàng theo hợp đồng mà bên mua không tiếp nhận hàng thì coi như đã vi phạm hợp đồng và phải chịu các biện pháp chế tài theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.

+ Nghĩa vụ thanh toán: Điều khoản thanh toán trong hợp đồng được các bên thỏa thuận thông thường bao gồm những nội dung cụ thể về đồng tiền thanh toán, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm thanh toán, trình tự và thủ tục thanh toán.

Qua bài viết Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì? hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ: 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://icontract.com.vn/