Cập nhật quy định về biên bản thanh lý hợp đồng mới hiện nay
Biên bản thanh lý hợp đồng là văn bản pháp lý ghi nhận việc chấm dứt thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng đã ký. Vậy nội dung của biên bản thanh lý hợp đồng bao gồm những gì? Mẫu biên bản thanh ký hợp đồng được viết như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
1. Biên bản thanh lý hợp đồng là gì?
Biên bản thanh lý hợp đồng là văn bản chấm dứt việc thực hiện thỏa thuận của 2 bên trong hợp đồng đã ký. Theo quy định tại Điều 422, Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau:
- Hợp đồng đã được hoàn thành.
- Chấm dứt do các bên tự thỏa thuận.
- Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.
- Hợp đồng đã bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện.
- Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn.
- Khi hoàn cảnh thay đổi mà các bên không thể thỏa thuận việc sửa đổi hợp đồng trong thời hạn hợp lý.
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Biên bản thanh lý hợp đồng là văn bản chấm dứt việc thực hiện thỏa thuận giữa các bên.
Như vậy, hiểu đơn giản, thanh lý hợp đồng là việc xác nhận lại việc hai bên đã hoàn thành nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đã ký kết hay chưa. Biên bản thanh lý hợp đồng được lập ra để ngăn những tranh chấp pháp lý không đáng có sau này.
Thông thường, hai bên có thể tự thỏa thuận về thời điểm ký kết thanh lý hợp đồng, ngay cả khi nghĩa vụ hợp đồng chưa hoàn thành. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, các bên chỉ được thanh lý hợp đồng khi hủy bỏ hoặc khi hoàn thành hợp đồng (Ví dụ: trong lĩnh vực xây dựng).
2. Có bắt buộc phải lập Biên bản thanh lý hợp đồng không?
Không có quy định nào bắt buộc các bên tham gia hợp đồng phải lập Biên bản thanh lý hợp đồng. Bên cạnh đó, nội dung của biên bản cũng hoàn toàn do các bên tự thỏa thuận, miễn không trái với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nếu không muốn làm Biên bản thanh lý hợp đồng, khi lập hợp đồng, các bên có thể thêm nội dung hợp đồng tự thanh lý khi hoàn thành. Ví dụ:
- Khi 2 bên đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình và không xảy ra tranh chấp gì thì hợp đồng tự động thanh lý.
- Sau 5 ngày kể từ ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ với nhau thì hợp đồng này sẽ tự động thanh lý.
3. Thủ tục thanh lý hợp đồng
Thủ tục thanh lý hợp đồng có sự khác biệt trong các trường hợp: Các bên thỏa thuận thanh lý, chấm dứt hợp đồng hoặc khi có bên đơn phương yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Cụ thể:
- Khi các bên thỏa thuận thanh lý, chấm dứt hợp đồng
Khi các bên đồng nhất thanh lý hợp đồng thì thủ tục thanh lý hợp đồng rất đơn giản. Một bên lập Biên bản thanh lý hợp đồng để gửi bên còn lại xem xét. Nếu 2 bên đồng ý thì cùng ký tên, đóng dấu để chấm dứt hợp đồng.
Thủ tục thanh lý hợp đồng có sự khác biệt giữa các trường hợp.
- Khi một bên đơn phương yêu cầu chấm dứt hợp đồng
Khi một trong hai bên đơn phương yêu cầu chấm dứt hợp đồng, dựa trên các điều khoản đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng, bên muốn đơn phương chấm dứt cần:
- Chấm dứt hợp đồng theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng đã ký: Cần gửi thông báo ngay cho đối tác. Thời điểm chấm dứt hợp đồng nên để trong khoảng 15 ngày kể từ ngày thông báo.
- Chấm dứt hợp đồng do yếu tố khác không có trong thỏa thuận hợp đồng: Cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy trình được quy định tại Điều Điều 424, 425, 426, Bộ luật Dân sự 2015.
4. Đơn phương chấm dứt hợp đồng có hậu quả pháp lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 427, Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ có hậu quả pháp lý như sau:
- Hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại, giải quyết tranh chấp.
- Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong hợp đồng và phí bảo quản, phát triển tài sản.
- Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia sẽ được bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của hủy bỏ hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân.
- Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định.
Biên bản thanh lý hợp đồng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan khi chấm dứt hợp đồng. Do đó, việc lập biên bản thanh lý hợp đồng đúng theo quy định là vô cùng cần thiết. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về biên bản thanh lý hợp đồng.