Quy định về hợp đồng lao động dưới 1 tháng có đặc điểm gì?
Trong những trường hợp cần lao động thời vụ, đơn vị sử dụng lao động có thể thực hiện ký hợp đồng lao động dưới 1 tháng. Hợp đồng này có khác gì so với hợp đồng lao động dài hạn và cần lưu ý gì về các thông tin trong hợp đồng?
1. Hợp đồng lao động dưới 1 tháng là gì?
Hợp đồng dưới 1 tháng áp dụng cho các công việc ngắn hạn.
Hợp đồng lao động dưới 1 tháng thuộc loại hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 30 ngày. Loại hợp đồng này phù hợp cho các công việc thời vụ, ngắn hạn và không yêu cầu cam kết lâu dài, đảm bảo tính linh hoạt cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Theo Khoản 3, Điều 24, Bộ luật Lao động 2019, người lao động ký hợp đồng dưới 1 tháng không phải trải qua thời gian thử việc. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi lao động ngắn hạn, giúp họ nhận đủ tiền lương ngay từ đầu mà không bị giảm bớt.
2. Nội dung của hợp đồng lao động dưới 1 tháng
Hợp đồng lao động dưới 1 tháng có thể thực hiện bằng lời nói hoặc văn bản, ngoại trừ một số trường hợp như
- Ký hợp đồng với nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên thông qua 01 người ủy quyền trong nhóm.
- Thuê người lao động chưa đủ 15 tuổi.
- Thuê người lao động giúp việc gia đình.
Nếu hợp đồng lao động dưới 1 tháng được giao kết bằng văn bản thì nội dung cần tuân thủ theo quy định tại Khoản 1, Điều 21, Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
…”
Theo đó hợp đồng lao động dưới 1 tháng phải có tối thiểu các nội dung theo quy định nêu trên.
3. Hợp đồng lao động dưới 1 tháng có phải đóng BHXH không?
Lao động làm việc dưới 1 tháng được đóng BHXH không?
Theo quy định hiện hành, người lao động ký hợp đồng lao động dưới 1 tháng không phải tham gia các loại bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể:
- Theo Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, chỉ những người lao động làm việc theo hợp đồng từ đủ 1 tháng trở lên mới thuộc đối tượng tham gia BHXH.
- Theo Điều 43, Luật Việc làm 2013 và Khoản 1, Điều 12, Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi năm 2014), người lao động chỉ tham gia khi hợp đồng có thời hạn từ đủ 3 tháng.
Do không phải đóng bảo hiểm, doanh nghiệp sử dụng lao động dưới 1 tháng phải chi trả thêm một khoản tương đương mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và bảo hiểm thất nghiệp cùng lúc với kỳ trả lương. Điều này được quy định tại Khoản 3, Điều 168, Bộ luật Lao động 2019.
Nếu doanh nghiệp không chi trả khoản tiền này, họ sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 - 20 triệu đồng tùy vào số lượng lao động bị trả thiếu, theo Khoản 4, Điều 17, Nghị định 12/2022/NĐ-CP
Như vậy, người lao động làm việc với hợp đồng lao động dưới 1 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng có thể được nhận thêm khoản tiền tương đương từ doanh nghiệp.
4. Có thể ký nhiều lần hợp đồng lao động dưới 1 tháng không?
Quy định về ký hợp đồng dưới 1 tháng nhiều lần.
Để giải đáp vấn đề này, chúng ta cần tham khảo các quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019.
4.1 Gia hạn hợp đồng lao động dưới 1 tháng
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 20 của Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động dưới 1 tháng được xếp vào loại hợp đồng xác định thời hạn. Khi hợp đồng hết hạn, nếu các bên muốn tiếp tục hợp tác, cần ký hợp đồng mới theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 của Bộ luật:
- Hợp đồng mới phải được ký trong vòng 30 ngày kể từ khi hợp đồng cũ hết hạn.
- Có thể ký thêm 1 lần hợp đồng lao động có thời hạn hoặc chuyển sang ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Do đó, đối với hợp đồng lao động dưới 1 tháng, tối đa chỉ được ký 2 lần liên tiếp.
4.2 Trường hợp được ký nhiều lần hợp đồng lao động dưới 1 tháng
Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 20 của Bộ luật Lao động năm 2019:
“Trong trường hợp ký hợp đồng lao động xác định thời hạn mới, chỉ được ký thêm một lần. Sau đó, nếu người lao động tiếp tục làm việc, phải chuyển sang hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ngoại trừ trường hợp thuê giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và các trường hợp tại Khoản 1 Điều 149, Khoản 2 Điều 151, Khoản 4 Điều 177.”
Vì vậy, có thể ký nhiều lần hợp đồng lao động dưới 1 tháng trong các trường hợp sau:
- Thuê giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước.
- Thuê lao động cao tuổi.
- Thuê lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Thuê lao động là thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, với thời hạn hợp đồng kéo dài đến hết nhiệm kỳ.
Lưu ý: Nếu không ký hợp đồng mới mà vẫn để người lao động tiếp tục làm việc, sau 30 ngày, hợp đồng lao động dưới 1 tháng sẽ tự động chuyển thành hợp đồng không xác định thời hạn.
Tổng kết lại, hợp đồng lao động dưới 1 tháng được sử dụng để giao kết khi doanh nghiệp cần lao động thời vụ. Hợp đồng này có thể lựa chọn giao kết bằng văn bản hoặc lời nói. Lao động dưới 1 tháng không được tham gia bhxh bắt buộc, tuy nhiên đơn vị sử dụng cần trả thêm khoản tiền tương đương cho họ.
Hy vọng bài viết từ iContract đã giúp quý khách hiểu hơn về loại hợp đồng lao động dưới 1 tháng. Nếu quý khách quan tâm về phần mềm ký hợp đồng điện tử, xin vui lòng liên hệ hotline 24/7 của iContract để được tư vấn cụ thể tại đây:
- Miền Bắc: 1900.4767
- Miền Trung, Nam: 1900.4768