Các trường hợp hợp đồng vô hiệu doanh nghiệp cần lưu ý
Các trường hợp hợp đồng vô hiệu thường gặp là gì? Có thể do chủ quan hoặc khách quan có thể dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu. Một hợp đồng bị vô hiệu sẽ làm phát sinh nhiều hệ quả pháp lý khác như giá trị hiệu lực của hợp đồng, các khoản lợi ích đã chuyển giao, thiệt hại thực tế do hợp đồng vô hiệu gây ra cho các bên, các khoản lợi thu được từ hợp đồng…. Vì vậy, bài viết này sẽ chỉ các trường hợp hợp đồng vô hiệu cần lưu ý, để các bên khi tham gia giao kết tránh mắc phải gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng!
1. Hợp đồng vô hiệu là gì?
Các trường hợp hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh nghĩa vụ các bên.
Hợp đồng vô hiệu là những hợp đồng không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định nên không có giá trị pháp lý, không làm làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Tùy theo tính chất của điều kiện bị vi phạm mà hợp đồng có thể đương nhiên vô hiệu hoặc cần phải được Tòa án xem xét theo thủ tục tư pháp trước khi tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Các lợi ích đã giao nhận trước đây giữa các bên tham gia được xử lý theo quy định pháp luật. Quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, tùy trường hợp, có thể là bên có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, hoặc người có quyền lợi liên quan, hoặc tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
2. Phân loại hợp đồng vô hiệu
Hợp đồng vô hiệu toàn bộ là hợp đồng có toàn bộ nội dung vô hiệu
Căn cứ vào nội dung, phạm vi các điều khoản của hợp đồng bị vô hiệu mà có thể phân chia hợp đồng vô hiệu thành hai loại là hợp đồng vô hiệu toàn bộ và hợp đồng vô hiệu từng phần:
2.1 Hợp đồng vô hiệu toàn bộ
Hợp đồng vô hiệu toàn bộ là hợp đồng có toàn bộ nội dung vô hiệu, hoặc tuy chỉ có một phần nội dung vô hiệu, nhưng phần đó lại ảnh hưởng đến hiệu lực của toàn bộ hợp đồng. Hậu quả hợp đồng vô hiệu toàn bộ là hợp đồng không còn tồn tại, tất các các điều khoản trong hợp đồng đều không có giá pháp lý.
Ví dụ: Hợp đồng mang bầu thuê, có các điều khoản công việc mang bầu thuê, thù lao, chi phí và cách thức bồi dưỡng thai phụ và thai nhi, thời hạn hợp đồng...), chỉ điều khoản công việc là bị cấm, nhưng do đây là điều khoản cơ bản của hợp đồng, nên làm cho hợp đồng vô hiệu toàn bộ.
2.2 Hợp đồng vô hiệu từng phần
Hợp đồng vô hiệu từng phần là những hợp đồng được xác lập mà có một phần nội dung của nó không có giá trị pháp lý, nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần khác của hợp đồng đó. Hay nói cách khác thì ngoài phần vô hiệu không được áp dụng, các phần còn lại vẫn có giá trị thi hành, nên các bên vẫn phải tiếp tục thi hành hợp đồng trong phạm vi phần hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
Ví dụ: Điều khoản lãi suất trong hợp đồng vay tài sản vượt quá mức lãi suất tối đa được pháp luật cho phép, thì chỉ phần mức lãi suất vượt quá đó vô hiệu, phần còn lại của điều khoản hợp đồng vay tài sản vẫn có thể có hiệu lực theo nguyên tắc chung.
3. Các trường hợp hợp đồng vô hiệu
Để tuyên bố hợp đồng vô hiệu, Tòa án phải xác định căn cứ làm cho hợp đồng trở nên vô hiệu. Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp hợp đồng vô hiệu như sau:
Các trường hợp hợp đồng vô hiệu theo Bộ luật Dân sự 2015
a) Vô hiệu do do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Hợp đồng có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì bị coi là vô hiệu. Các bên cùng có lỗi thì tự chịu thiệt hại; một bên bị thiệt hại do lỗi của bên kia (là nạn nhân của hành vi trái pháp luật của bên kia) thì bên có lỗi phải chịu trách nhiệm bồi thường…
Ví dụ: Hợp đồng mua bán có đối tượng là vũ khí hoặc/và thanh toán bằng ngoại tệ. Trường hợp này vô hiệu toàn bộ vì có điều khoản đối tượng và điều khoản thanh toán vi phạm điều cấm của pháp luật.
b) Vô hiệu do giả tạo
Khi các bên xác lập hợp đồng một cách giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng khác thì hợp đồng giả tạo vô hiệu, còn hợp đồng bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp hợp đồng đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Trường hợp xác lập hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì hợp đồng đó vô hiệu.
Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán nhà, để giảm tiền thuế, các bên đã lập hai loại hợp đồng. Một hợp đồng bằng giấy viết tay ghi giá thật và một hợp đồng bằng văn bản công chứng ghi giá giả. Hợp đồng công chứng là giả tạo, vô hiệu toàn bộ. Hợp đồng bằng giấy tay là hợp đồng thật, không đúng hình thức luật định, chỉ có hiệu lực, nếu được các bên tự nguyện thừa nhận, và thực hiện đúng hình thức, thủ tục luật định.
c) Vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
Khi hợp đồng do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật hợp đồng này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý.
Ngoại trừ trường hợp:
+ Hợp đồng của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó.
+ Hợp đồng chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện hợp đồng với họ;
+ Hợp đồng được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
d) Vô hiệu do bị nhầm lẫn
Đối với hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn phải là nhầm lẫn nghiêm trọng, về đối tượng hoặc các nội dung chủ yếu của hợp đồng mà không thể thỏa thuận được để khắc phục, thì mới có thể bị Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
e) Vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia hợp đồng do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu. Trong đó:
+ Lừa dối trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng nên đã xác lập hợp đồng đó.
+ Đe dọa, cưỡng ép trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện hợp đồng nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
f) Vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình
Với chủ thể là người có năng lực hành vi bình thường, nhưng vào thời điểm xác lập hợp đồng, vì lý do nào đó họ không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của minh (như say rượu quá mức, bị ngộ độc chất ma túy do dùng quá liều, người bị bệnh tâm thần đang trong tình trạng lên cơn, người bị hôn mê do dùng phải các loại thuốc mê...) mà xác lập hợp đồng trái với ý chí tự nguyện của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó là vô hiệu.
g) Vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Hợp đồng vô hiệu về hình thức khi pháp luật có quy định hợp đồng phải làm bằng hình thức xác định, nhưng các bên không thực hiện đúng quy định về hình thức đó. Tuy vậy, hợp đồng không lập đúng hình thức đó không vô hiệu, mà bị coi là “chưa có giá trị pháp lý”.
Trên đây là tất cả các trường hợp hợp đồng vô hiệu cần lưu ý khi các bên tham gia giao kết hợp đồng, để đảm bảo tính pháp lý, tránh gây thiệt hại cho các bên tham gia.
Ngoài ra, để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://icontract.com.vn/