Hợp đồng dịch vụ với cá nhân là gì ?Tổng hợp thông tin cơ bản
Hợp đồng dịch vụ với cá nhân là gì? Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân thay cho việc ký kết hợp đồng lao động để không phải đóng BHXH, BHTN, BHYT… cũng như để tránh việc phải chịu các trách nhiệm pháp lý do pháp luật lao động quy định. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin giúp cá nhân có thể hiểu rõ bản chất của hợp đồng này, nên sử dụng hợp đồng này khi nào để tránh những tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
1. Hợp đồng dịch vụ với cá nhân là gì?
Hợp đồng dịch vụ với cá nhân ghi lại sự thỏa thuận giữa 2 bên.
Để hiểu rõ về hợp đồng dịch vụ với cá nhân, trước tiên cần hiểu hợp đồng dịch vụ là gì. Theo Điều 513, Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.”.
Tại Khoản 9, Điều 3, Luật Thương mại 2005 quy định: “Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận”.
Hợp đồng dịch vụ với cá nhân là loại hợp đồng được ký kết giữa một bên là cá nhân (bên cung ứng dịch vụ) và bên thứ hai được gọi là khách hàng (bên sử dụng dịch vụ). Khách hàng có thể là cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp. Khi đó cá nhân có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho khách hàng và nhận thanh toán, khách hàng có nghĩa vụ thanh toán cho cá nhân và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.
2. Phân biệt hợp đồng dịch vụ với cá nhân với hợp đồng lao động
Hợp đồng dịch vụ với hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động và Hợp đồng dịch vụ với cá nhân là hai hợp đồng khá giống nhau và khó có thể phân biệt được. Để phân biệt được 2 loại hợp đồng này, trước tiên cùng tìm hiểu về hợp đồng lao động.
2.1. Hợp đồng lao động
Căn cứ Khoản 1, Điều 13, Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”
Tại Khoản 5, Điều 3, Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.”
Tại Khoản 1, Điều 3, Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.”
2.2. Điểm khác biệt giữa hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ
Một số điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại hợp đồng đó là:
(1) Người lao động phải chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp
Người lao động phải chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp, trong khi bên cung ứng dịch vụ thì không nhất thiết phải có nghĩa vụ này. Tuy nhiên, với một số trường hợp, bên cung ứng dịch vụ vẫn có nghĩa vụ phải tuân theo yêu cầu từ bên thuê dịch vụ (tùy vào thỏa thuận trong hợp đồng và loại dịch vụ cung ứng).
(2) Cá nhân không đăng ký kinh doanh thì thường không có quyền cung ứng dịch vụ.
Theo Khoản 1, Điều 3, Luật Thương mại 2005 quy định:
“Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.”.
Như vậy, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi là một hoạt động thương mại và hoạt động thương mại này phải tuân theo Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan (Điều 4, Khoản 1, Luật Thương mại 2005).
Theo Điều Khoản 3, Điều 2, Luật Thương mại 2005, các hoạt động thương mại đều phải được thực hiện bởi thương nhân có đăng ký kinh doanh, chỉ trừ trường hợp “cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh”; những trường hợp loại trừ này được liệt kê cụ thể tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP.
Những trường hợp loại trừ chủ yếu bao gồm các loại hình dịch vụ nhỏ lẻ như “đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định” và những cá nhân thực hiện hoạt động thương mại thông qua cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ này không được gọi là “thương nhân”.
Như vậy, để ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân thì cá nhân đó cần tiến hành đăng ký kinh doanh theo luật định. Nếu doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân không đăng ký kinh doanh là trái với quy định pháp luật.
3. Cá nhân nên sử dụng hợp đồng lao động hay hợp đồng dịch vụ
Ký hợp đồng lao động đảm bảo quyền lợi cơ bản của người lao động.
Cá nhân nên lựa chọn hợp đồng dịch vụ với cá nhân nếu muốn: làm các công việc thời vụ, ngắn hạn, theo dự án và không lặp đi lặp lại liên tục; không kiểm soát và quản lý người lao động; chỉ quan tâm kết quả cuối cùng theo thỏa thuận; phí dịch vụ thanh toán theo tiến độ hoặc khi hoàn thành chứ không lặp đi lặp lại mang tính chất chu kỳ như trả lương.
Lưu ý: Cá nhân cần tiến hành đăng ký kinh doanh theo luật định khi ký hợp đồng dịch vụ.
Đối với những cá nhân muốn làm việc lâu dài với doanh nghiệp, được hưởng các quyền lợi cơ bản của người lao động như mức lương tối thiểu, thời giờ làm việc – nghỉ ngơi, lương khi làm thêm giờ, quyền gia nhập Công đoàn, có những khoản bù đắp, hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm khi mất việc, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,... thì nên lựa chọn hợp đồng lao động.
Qua bài viết trên hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Ngoài ra, để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ qua thông tin dưới đây:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://icontract.com.vn/