Trang chủ Tin tức Hợp đồng điện tử là gì & Định nghĩa ,tính pháp lý & nguyên tắc ký

Hợp đồng điện tử là gì & Định nghĩa ,tính pháp lý & nguyên tắc ký

Bởi: icontract.com.vn - 23/12/2022 Lượt xem: 3610 Cỡ chữ tru cong

   Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như thương mại điện tử đã khiến hợp đồng điện tử đã và đang được triển khai một cách rộng rãi. Các quy định về hợp đồng điện tử cũng được pháp luật sửa đổi và bổ sung để phù hợp với xu hướng trên. Có thể nói bắt đầu từ năm 2022, người dân, doanh nghiệp sẽ có thể sử dụng hợp đồng điện tử thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống. Để tìm hiểu rõ hơn về những kiến thức quan trọng trong hợp đồng điện tử mời bạn đọc tham khảo những thông tin ngay dưới đây.

1. Khái quát về hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong nền kinh tế số hiện nay. Vậy hợp đồng điện tử là gì? Đặc điểm cũng như cách phân loại hợp đồng điện tử ra sao? Mời Quý bạn đọc cùng tham khảo:

hợp đồng điện tử 1

Hợp đồng điện tử được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu

1.1 Khái niệm hợp đồng điện tử

Điều 33, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về Hợp đồng điện tử như sau: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”.

Trong đó:

+ “Thông điệp dữ liệu” là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử (Khoản 12, Điều 4, Luật Giao dịch điện tử 2005).

+ “Phương tiện điện tử” là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự (Khoản 10, Điều 4, Luật Giao dịch điện tử 2005).

Như vậy, nói đến hợp đồng điện tử là nói đến một phương thức thiết lập hợp đồng chứ không phải là một loại hợp đồng dựa trên một đối tượng cụ thể nào. 

1.2 Đặc điểm hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử là một dạng hợp đồng giống với hợp đồng truyền thống được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005. Tuy nhiên loại hợp đồng này có những đặc điểm riêng biệt mà hợp đồng truyền thống không có:

hợp đồng điện tử 2

Hợp đồng điện tử cần có sự tham gia của bên thứ 3 (nhà cung cấp dịch vụ)

a) Sử dụng Thông điệp dữ liệu

Sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.

b) Chủ thể của hợp đồng điện tử

Bên cạnh chủ thể giao kết thông thường, hợp đồng điện tử còn có sự xuất hiện của bên thứ ba là các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Các tổ chức này không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng, mà chỉ tham gia với tư cách là các cơ quan hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

c) Phạm vi áp dụng

Dựa vào Điều 1, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về phạm vi điều chỉnh có thể thấy Hợp đồng điện tử:

+ Được áp dụng: trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

+ Không được áp dụng: đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

d) Thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng điện tử

Các bên có thể trao đổi các thông tin, thỏa thuận và tiến hành ký trên các thiết bị điện tử kết nối Internet một cách nhanh chóng mà không cần gặp mặt trực tiếp. Từ đó giúp việc mở rộng phạm vi ký kết hợp đồng ra khắp thế giới diễn ra một cách dễ dàng.

e) Tính vô hình, phi vật chất

Hợp đồng điện tử được tạo lập và ký kết bởi các thông điệp dữ liệu nên không thể sờ thấy hay cầm nắm một cách vật chất được. Đồng nghĩa với việc quản lý, lưu trữ hay bảo quản một lượng lớn các hợp đồng và các thông tin dữ liệu điện tử trở nên đơn giản, tiện lợi và gọn nhẹ hơn so với việc lưu trữ trên giấy tờ.

1.3 Phân loại hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử được phân loại dựa vào 2 tiêu chí chính là hình thức thực hiện và mục đích hợp đồng. Cụ thể:

a) Phân loại theo hình thức thực hiện

Dựa vào hình thức, hợp đồng thương mại điện tử thường chia thành các loại sau:

  • Hợp đồng truyền thống được đưa lên website

Thường áp dụng cho một số hợp đồng truyền thống được sử dụng thường xuyên và được chuẩn hóa về nội dung do một bên soạn thảo và đưa lên website với lựa chọn “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” để các bên lựa chọn xác nhận sự đồng ý với các điều khoản bảo mật của hợp đồng. Các bên thường có hai lựa chọn phổ biến để ký kết: (1) Hợp đồng truyền thống được hình thành qua giao dịch tự động (2) Hợp đồng có sử dụng chữ ký số.

  • Hợp đồng điện tử được hình thành qua giao dịch tự động

Hình thức này được sử dụng phổ biến trên website thương mại điện tử bán lẻ (B2C) như thegioididong.com, fptshop.com.vn hay dienmayxanh.com… Nội dung hợp đồng không được soạn sẵn mà được hình thành bởi giao dịch tự động. Phần mềm sẽ tổng hợp tự động, xử lý thông tin và hiển thị để bên mua xác nhận đồng ý điều khoản hợp đồng. Khi xác nhận xong, bên bán nhận được thông báo và gửi xác nhận đến người mua qua hình thức như email hay số điện thoại…

  • Hợp đồng điện tử qua thư điện tử

Là hình thức được sử dụng phổ biến trong các giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau (B2B). Các bên sử dụng thư điện tử để chào hàng, hỏi hàng, đàm phán các điều khoản như giá cả, số lượng… Kết thúc quá trình đàm phán, các bên sẽ tổng hợp thành một hợp đồng hoàn chỉnh thống nhất các nội dung đã nhất trí trước đó. Hình thức này truyền tải được nhiều chi tiết, thông tin với tốc độ giao dịch nhanh, chi phí thấp.

b) Phân loại theo mục đích sử dụng

Dựa vào mục đích, hợp đồng điện tử được phân loại như sau:

  • Hợp đồng thương mại điện tử

Hợp đồng thương mại điện tử là sự thỏa thuận giữa các bên trong đó có ít nhất một bên là thương nhân. Chủ thể còn lại là chủ thể có tư cách pháp lý nhằm xác lập hợp đồng dưới dạng thông điệp dữ liệu. Mục đích chính của loại hợp đồng này là lợi nhuận.

>>> Xem chi tiết :Hợp đồng thương mại điện tử - TOP 5 điều đầy đủ & chi tiết nhất

  • Hợp đồng lao động điện tử

Hợp đồng lao động điện tử là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, trong đó quy định điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Thông tin trong hợp đồng này được tạo ra, gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

>>> Xem chi tiết :Hợp đồng lao động không xác định thời hạn & lưu ý khi ký kết

  • Hợp đồng dân sự điện tử

Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên, một số giao dịch dân sự không áp dụng hình thức hợp đồng điện tử như đăng ký kết hôn, ly hôn, giấy khai sinh, quyền sở hữu nhà ở...

2. So sánh hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống

hợp đồng điện tử 3

Hợp đồng điện tử giúp tiết kiệm chi phí in ấn, chuyển phát và lưu trữ

Mỗi loại hợp đồng đều có ưu và nhược điểm riêng. Về bản chất, cả hai loại hợp đồng này đều có những đặc điểm giống nhau như sau:

+ Ý nghĩa: Cả hai hợp đồng đều là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên với nhau.

+ Cơ sở pháp lý: Cả hai hợp đồng đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, hai bên đều phải căn cứ vào cơ sở pháp lý đảm bảo đúng theo quy định về hình thức, chủ thể, điều kiện, quy kết, trách nhiệm cũng như giải quyết các vấn đề về tranh chấp…

+ Nguyên tắc giao kết: Cả hai hợp đồng đều được thực hiện theo các nguyên tắc giao kết giữa các bên như: thỏa thuận, tự nguyện, thiện trí, trung thực… Đây là những nguyên tắc áp dụng cho mọi loại hợp đồng và trong mọi lĩnh vực.

Dưới đây là bảng so sánh hợp đồng điện tử với hợp đồng truyền thống:

So sánh Hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống

 

Hợp đồng truyền thống

Hợp đồng điện tử

Chủ thể tham gia

Đảm bảo về giá trị pháp lý cao. Không cần sự tham gia của bên thứ 3.

Cần có sự tham gia của bên thứ 3 để đảm bảo sự uy tín để an toàn trong quá trình giao kết.

Phạm vi áp dụng

Áp dụng ở mọi lĩnh vực.

Phạm vi áp dụng vẫn còn hạn chế.

Thời gian nhận và giao kết hợp đồng

Mất thời gian để gửi tài liệu hoặc gặp mặt ký kết.

Tiết kiệm thời gian khi các bên có thể giao kết ở mọi lúc, mọi nơi.

Chi phí

Chi phí in ấn, chuyển phát, lưu trữ tốn kém.

Tiết kiệm chi phí hơn cho việc in ấn, chuyển phát và lưu trữ.

Phát hành hợp đồng

Ký và đóng dấu thủ công từng hợp đồng gây mất thời gian.

Ký số theo lô, nhanh và thuận tiện.

Tính bảo mật

Khả năng bảo mật, khó khăn trong quá trình quản lý và lưu trữ.

Tăng tính bảo mật, không thể giả mạo và phủ nhận nhờ chính sách, quy định nghiêm ngặt.

Tìm kiếm và lưu trữ hợp đồng

Tốn không gian lưu trữ, dễ bị mất, rách, cháy, hỏng.

Dễ dàng hơn trong quá trình quản lý, tra cứu và lưu trữ thông qua công nghệ đám mây.

Tìm kiếm hợp đồng

Tìm kiếm thủ công, phải lật từng tờ.

Tìm kiếm dễ dàng.

 

3. Quy định pháp luật Việt Nam về hợp đồng điện tử

hợp đồng điện tử 4

Quy định pháp luật Việt Nam về hợp đồng điện tử

Các vấn đề pháp lý về hợp đồng điện tử được quy định, ban hành khá đầy đủ để tạo ra tính đồng bộ và đảm bảo giá trị pháp lý cũng như tính an toàn và đảm bảo thông tin của thông điệp dữ liệu điện tử trong Hợp đồng điện tử. 

3.1 Các văn bản pháp luật về hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử dựa trên các căn cứ pháp lý sau:

a) Nguồn luật quốc tế

+ Luật mẫu UNCITRAL (Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hiệp quốc) về thương mại điện tử 1996

+ Luật mẫu về Chữ ký điện tử 2001

+ Công ước Liên hợp quốc về sử dụng các giao dịch điện tử trong các hợp đồng quốc tế 2005

b) Văn bản pháp luật chính của Việt Nam điều chỉnh giao dịch điện tử

+ Bộ Luật Dân sự 2015

+ Luật Giao dịch điện tử 2005

+ Luật Công nghệ thông tin 2006

+ Luật An ninh mạng 2018

+ Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử

+ Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP

+ Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số

+ Thông tư 01/2022/TT-BCT của Bộ Công thương: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư 59/2015/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động

c) Văn bản pháp luật hướng dẫn Luật giao dịch điện tử trong lĩnh vực chuyên ngành

+ Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ

+ Nghị định 166/2016/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong BHXH, BHYT, BHTN

+ Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ lao động - thương binh và xã hội

+ Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính

+ Nghị định 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng

d) Các văn bản khác

+ Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025

+ Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS về việc Quyết định ban hành Kế hoạch hành động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022

3.2 Tính pháp lý của hợp đồng điện tử

hợp đồng điện tử 5

Hợp đồng điện tử có tính pháp lý như hợp đồng truyền thống

Có rất nhiều doanh nghiệp thắc mắc về việc Hợp đồng được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý không? Theo Điều 14, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ như sau:

“(1). Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

(2). Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Tiếp theo đó tại Điều 34, Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng thừa nhận:

“Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”

Để chứng minh được giá trị pháp lý như bản gốc của Hợp đồng điện tử, căn cứ vào Điều 9, Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP cần thỏa mãn hai điều kiện sau:

(1). Có sự bảo đảm đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ thời điểm thông tin được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng chứng từ điện tử;

(2). Thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.

Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị chứng từ điện tử. Tiêu chí về sự bảo đảm đủ tin cậy là khi một trong những biện pháp sau được áp dụng trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên trao đổi và sử dụng chứng từ điện tử:

+ Ký chứng từ điện tử bằng chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hợp pháp cấp.

+ Lưu trữ chứng từ điện tử tại hệ thống của một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử đã được cấp phép mà các bên thỏa thuận lựa chọn.

+ Có sự bảo đảm từ phía thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng cho việc khởi tạo, gửi và lưu trữ chứng từ điện tử về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử trong quá trình gửi và lưu trữ trên hệ thống.

+ Biện pháp khác mà các bên thống nhất lựa chọn.

4. Chữ ký trong hợp đồng điện tử

Do được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu, vì vậy hợp đồng điện tử sẽ được ký kết hay đóng dấu bằng chữ ký điện tử.

4.1 Khái niệm về chữ ký điện tử

hợp đồng điện tử 6

Chữ ký điện tử được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử

Theo Khoản 1, Điều 21, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về chữ ký điện tử như sau: “Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.”.

4.2 Các loại chữ ký điện tử thông dụng hiện nay

Hiện nay, các bên có thể ký các hợp đồng điện tử bằng chữ ký điện tử theo 3 cách thức phổ biến sau:

a) Chữ ký số

“Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng. Các bên sử dụng một nền tảng và thiết bị chuyên dụng do công ty cung cấp dịch vụ chứng thực chữ kỹ số.

Chữ ký số được tạo ra sau đó được chèn dưới dạng điện từ vào hợp đồng cần ký. Chữ ký số ít được sử dụng trong giao kết hợp đồng có giá trị lớn và phức tạp mà chủ yếu được sử dụng khi tổ chức nộp tờ thuế hải quan, bảo hiểm xã hội, nộp thuế qua mạng, phát hành hóa đơn điện tử và tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử qua hệ thống ngân hàng.

b) Chữ ký Scan

Hợp đồng được người ký in ra từ tệp dữ liệu điện tử và người ký của mỗi bên ký trực tiếp trên văn bản giấy của hợp đồng bằng chữ ký sống. Sau đó, hợp đồng cùng với chữ ký trên hợp đồng sẽ được chuyển thành dạng điện tử (ví dụ: bằng cách quét hình (scanning) và bản quét hình (tệp dữ liệu điện tử) của hợp đồng đã ký, sau đó được gửi đi bằng thư điện tử.

Chữ ký scan được sử dụng nhiều trong trường hợp có nhiều bên và các bên không ở cùng một địa điểm để có thể cùng ký trên một bản của hợp đồng. Chữ ký scan đặc biệt thông dụng liên quan đến giao dịch đa quốc gia và có yếu tố nước ngoài về mặt chủ thể.

c) Chữ ký hình ảnh

Thông thường, người ký chèn hình ảnh chữ ký của người ký vào ô chữ ký của tệp dữ liệu điện tử của hợp đồng. Tệp dữ liệu điện tử của hợp đồng (có chữ ký bằng chữ ký hình ảnh trên hợp đồng điện tử đó) được gửi đi bằng thư điện tử.

Chữ ký hình ảnh được sử dụng nhiều trong hợp đồng có giá trị không lớn nhưng được ký nhiều lần và lặp đi lặp lại. Đồng thời, chữ ký hình ảnh được sử dụng khi người ký không ở cùng một địa điểm mà hợp đồng có thể in và ký bằng chữ ký sống.

4.3 Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

hợp đồng điện tử 7

Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Dựa vào Điều 24, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử như sau:

a) Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu.

- Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.

b) Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 22, Luật Giao dịch điện tử 2005 và chữ ký điện tử đó có chứng thực.

5. Giao kết hợp đồng điện tử

Giao kết thông qua hợp đồng điện tử giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, thời gian giao dịch, dễ dàng thỏa thuận với khách hàng. Vậy những nguyên tắc và quy định của giao kết hợp đồng mà doanh nghiệp cần chú ý là gì?

hợp đồng điện tử 8

Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành giao dịch

5.1 Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử

Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.

Căn cứ vào Điều 35, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử như sau:

“(1). Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.

(2). Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng.

(3). Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.”

5.2 Quy định về giao kết hợp đồng điện tử

Khác với hợp đồng thông thường, hợp đồng điện tử có đặc thù riêng do pháp luật quy định nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên khi giao kết hợp đồng và dễ dàng phân xử khi có tranh chấp xảy ra. Cụ thể như sau:

a) Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu

Căn cứ vào Điều 17, Luật Giao dịch điện tử 2005, Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác được quy định như sau:

(1) Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo.

(2) Địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cá nhân.

Lưu ý: Nếu người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

b) Nhận thông điệp dữ liệu

Nhận thông điệp dữ liệu là nội dung được cần lưu ý khi giao kết hợp đồng điện tử. Cụ thể:

(1) Người nhận thông điệp dữ liệu là người được chỉ định nhận thông điệp dữ liệu từ người khởi tạo thông điệp, không bao hàm người trung gian chuyển thông điệp dữ liệu đó. 

(2) Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì việc nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

+ Người nhận được xem là đã nhận được thông điệp dữ liệu nếu thông điệp đó được nhập vào hệ thống thông tin do người đó chỉ định và có thể truy cập được.

+ Người nhận có quyền coi mỗi thông điệp dữ liệu nhận được là một thông điệp dữ liệu độc lập, trừ khi thông điệp dữ liệu đó là bản sao của thông điệp dữ liệu khác mà người nhận biết hoặc buộc phải biết thông điệp dữ liệu đó là bản sao.

+ Nếu trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo thoả thuận với người nhận việc phải gửi thông báo xác nhận khi nhận được thông điệp dữ liệu thì người nhận phải thực hiện đúng thỏa thuận này.

+ Nếu trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo đã tuyên bố thông điệp dữ liệu đó chỉ có giá trị khi có thông báo xác nhận thì thông điệp dữ liệu đó được xem là chưa gửi cho đến khi người khởi tạo nhận được thông báo của người nhận xác nhận đã nhận được thông điệp dữ liệu đó.

+ Trường hợp người khởi tạo đã gửi thông điệp dữ liệu mà không tuyên bố về việc người nhận phải gửi thông báo xác nhận và cũng chưa nhận được thông báo xác nhận thì người khởi tạo có thể thông báo cho người nhận là chưa nhận được thông báo xác nhận và ấn định khoảng thời gian hợp lý để người nhận gửi xác nhận; nếu người khởi tạo vẫn không nhận được thông báo xác nhận trong khoảng thời gian đã ấn định thì người khởi tạo có quyền xem là chưa gửi thông điệp dữ liệu đó.

c) Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu

Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

+ Nếu người nhận có chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định.
+ Nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận.

Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở của người nhận nếu người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên của người nhận nếu người nhận là cá nhân. Trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

d) Gửi, nhận tự động thông điệp dữ liệu

Trong trường hợp người khởi tạo hoặc người nhận chỉ định một hoặc nhiều hệ thống thông tin tự động gửi hoặc nhận thông điệp dữ liệu thì việc gửi, nhận thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định tại các Điều 16, 17, 18 và 19 của Luật Giao dịch điện tử 2005.

e) Giá trị pháp lý của thông báo trong giao kết và thực hiện hợp đồng

Theo quy định tại Điều 38, Luật Giao dịch điện từ 2005 về Giá trị pháp lý của thông báo trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử thì: “Trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng phương pháp truyền thống.”

>>> Xem chi tiết : Cách ký hợp đồng điện tử đảm bảo đúng quy trình & tính pháp lý

6. Giải quyết tranh chấp trong giao dịch hợp đồng điện tử

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra tranh chấp trong Hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, có rất nhiều phương thức để giải quyết tranh chấp và pháp luật cũng có những quy định để giải quyết tranh chấp như sau: 

hợp đồng điện tử 9

Nhà nước khuyến khích hòa giải khi có tranh chấp trong giao dịch điện tử

6.1 Quy định về giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử

Tranh chấp trong giao dịch điện tử là tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch bằng phương tiện điện tử. Để giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử, Điều 52, Luật Giao dịch dân sự 2005 quy định như sau:

“(1). Nhà nước khuyến khích các bên có tranh chấp trong giao dịch điện tử giải quyết thông qua hòa giải.

(2). Trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật.”

6.2 Phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng điện tử

Việc thương lượng, trọng tài, Tòa án cũng là những phương thức thường được áp dụng khi muốn giải quyết tranh chấp về hợp đồng điện tử. Cụ thể:

a) Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử bằng cách thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thường được sử dụng trước tiên thông qua việc cùng nhau bàn bạc, dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bên thứ ba. Việc thương lượng không chịu sự ràng buộc về trình tự, giá trị pháp. Kết quả giải quyết tranh chấp dựa vào sự tự nguyện và thiện chí của các bên.

b) Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử bằng cách hòa giải

Hòa giải là cách các bên giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba độc lập (hòa giải viên) do các bên thỏa thuận hoặc chỉ định. Việc giải quyết tranh chấp bằng cách hòa giải chịu sự ràng buộc về trình tự nếu là hòa giải theo pháp luật hoặc do tổ chức hòa giải thực hiện. Kết quả hòa giải có giá trị ràng buộc pháp lý nếu được Tòa án công nhận.

c) Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử thông qua Trọng tài

Giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài có sự tham gia của bên thứ ba độc lập (Hội đồng trọng tài) do các bên thỏa thuận hoặc chỉ định. Việc giải quyết này chịu ràng buộc về trình tự theo quy chế của tổ chức Trọng tài. Kết quả giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài có giá trị ràng buộc pháp lý.

Lưu ý: Thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Thông thường, chi phí chi phí giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thường rất cao. Do đó, các bên cần cân nhắc lựa chọn phương án này.

d) Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử thông qua Tòa án

Đây là phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mà các bên thông qua cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết và là phương thức giải quyết có giá trị cao nhất. Hội đồng xét xử của Tòa án sẽ tuân theo pháp luật để phân xử tranh chấp hợp đồng giữa các bên. Chi phí giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án không cao và vẫn đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong giải quyết tranh chấp.

7. Phần mềm hợp đồng điện tử

hợp đồng điện tử

Phần mềm hợp đồng điện tử iContract

Phần mềm hợp đồng điện tử là một giải pháp số hóa toàn diện quy trình ký kết hợp đồng điện tử cho doanh nghiệp. Đây là phần mềm ký kết hợp đồng điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết hợp đồng qua môi trường internet không cần gặp mặt trực tiếp, đảm bảo pháp lý, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, bứt phá trong kỷ nguyên số.

Hiện nay, có nhiều phần mềm hợp đồng điện tử trên thị trường, trong đó không thể không kể đến phần mềm ký kết hợp điện tử iContract được phát triển bởi Công ty Phát triển Công nghệ Thái Sơn với 20 năm hình thành và phát triển, chuyên cung cấp phần mềm và các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ quản lý cho các doanh nghiệp.

- Tính năng nổi bật của iContract

+ Đầy đủ quy trình từ khởi tạo - Trình phê duyệt - Ký số - Gửi khách hàng ký, theo dõi,…

+ Tự động gửi thông báo cho khách hàng qua Email, SMS.

+ Hỗ trợ tạo hợp đồng với kho mẫu đa dạng sẵn có trên hệ thống.

+ Quản lý tài khoản truy cập, phân quyền người dùng theo từng cấp.

+ Hệ thống báo cáo chi tiết, trực quan và chính xác.

+ Phê duyệt, ký số nhiều trang hợp đồng trong cùng thời điểm.

Có thể thấy, sự ra đời của Hợp đồng điện tử đã đem lại hiệu quả tối đa trong quá trình sử dụng đối với nhiều doanh nghiệp. Trên đây là tổng hợp những kiến thức quan trọng về Hợp đồng điện tử, hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ: 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://icontract.com.vn/