Trang chủ Tin tức Hợp đồng lao động vô hiệu và cách xử lý theo pháp luật Việt Nam

Hợp đồng lao động vô hiệu và cách xử lý theo pháp luật Việt Nam

Bởi: icontract.com.vn - 26/12/2022 Lượt xem: 1787 Cỡ chữ tru cong

   Hợp đồng lao động vô hiệu khi nào? Hiện nay, với những chuyển biến mới của xã hội đã khiến cho thị trường lao động Việt nam có xu hướng tăng nhanh và ổn định. Cùng với đó, quá trình quản lý và thực hiện giao kết lao động theo đúng quy định pháp luật là ưu tiên hàng đầu đối với người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, khi giao kết hợp đồng, có thể do vô tình hoặc cố ý khiến cho hợp đồng lao động bị vô hiệu. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về Hợp đồng lao động bị vô hiệu, mời Quý bạn đọc tham khảo!

1. Hợp đồng lao động vô hiệu là gì?

hợp đồng lao động vô hiệu 1

Hợp đồng lao động vô hiệu

Tại Bộ luật Lao động 2019 không đưa ra khái niệm cụ thể về Hợp đồng lao động vô hiệu. Tuy nhiên, có thể hiểu, Hợp đồng lao động bị coi là vô hiệu là hợp đồng không đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật hay không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng.

2. Phân loại hợp đồng lao động vô hiệu

hợp đồng lao động vô hiệu 2

Phân loại hợp đồng lao động vô hiệu

Có thể phân loại hợp động lao động bị vô hiệu dựa trên các tiêu chí sau:

2.1 Dựa vào mức độ hoặc phạm vi vô hiệu

Dựa vào mức độ vô hiệu có thể phân làm hai loại là:

- Hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ: là hợp đồng không tuân thủ các quy định của pháp luật, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể hoặc lợi ích chung của xã hội. Theo Khoản 1, Điều 49, Bộ luật Lao động 2019, Hợp đồng lao động bị coi là vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật.
  • Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động.
  • Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

- Hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần: được hiểu là hợp đồng có một phần nội dung hợp đồng trái quy định của pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng dựa theo quy định tại Khoản 2, Điều 49, Bộ luật Lao động 2019.

2.2 Dựa trên phương diện biểu hiện

Dựa trên phương diện biểu hiện có thể phân thành:

- Hợp đồng vô hiệu về nội dung: là hợp đồng có sự vi phạm pháp luật về lao động, sự vi phạm này thể hiện qua các thông tin về chính các bên trong quan hệ lao động, về công việc và các nội dung trong hợp đồng lao động mà các bên thỏa thuận thực hiện hoặc không thực hiện trong hợp đồng lao động.

- Hợp đồng vô hiệu về hình thức: là hợp đồng lao động có sự vi phạm những quy định pháp luật về hình thức thể hiện, song không phải mọi sự vi phạm về hình thức của hợp đồng lao động đều làm cho hợp đồng vô hiệu. 

2.3 Dựa vào nguyên nhân gây vô hiệu

Dựa vào nguyên nhân gây vô hiệu có thể phân loại thành các trường hợp sau:

- Vô hiệu do vi phạm điều kiện chủ thể: Là loại hợp đồng được giao kết khi các chủ thể không có hoặc không đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hay nói cách khác là không có hoặc hoặc không đủ năng lực ký kết của hai bên gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi lao động.

- Vô hiệu do vi phạm yếu tố tự nguyện: khi một bên đã giao kết hợp đồng do nhầm lẫn, đe dọa hoặc lừa dối. Tuy nhiên việc nhầm lẫn, lừa dối hay đe dọa chỉ là căn cứ vô hiệu của hợp đồng lao động khi nó là nguyên nhân dẫn tới việc giao kết hợp đồng.

3. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

hợp đồng lao động 3

Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Theo Điều 50, Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: 

"Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.”. 

Như vậy, người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động bị vô hiệu khi có căn cứ theo quy định của Bộ luật lao động. Đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động bị vô hiệu phải có các nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 363 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Tiếp theo, căn cứ tại Khoản 5, Điều 402, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, có thể thấy, Thẩm phán là người ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động có vô hiệu hay không. nếu Thẩm phán ra quyết định hợp động lao động này vô hiệu, thì Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu đó.

4. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu

hợp đồng lao động 4

Cách xử lý hợp đồng lao động khi bị tuyên bố vô hiệu

Việc xử lý hợp đồng lao động bị tuyên bố vô được quy định tại Điều 51, Bộ luật Lao động 2019 và được hướng dẫn cụ thể tại Mục 3, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

4.1 Xử lý hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ 

Trường hợp hợp đồng vô hiệu toàn bộ do: (1) Người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động; (2) Do toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật hoặc công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm cần xử lý như sau: 

Thứ nhất, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ 2, Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:

+ Nếu quyền, lợi ích của hai bên trong hợp đồng không thấp hơn quy định của pháp luật đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.

+ Nếu quyền, nghĩa vụ, lợi ích của hai bên trong hợp đồng vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

4.2 Xử lý hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần

Việc xử lý hợp đồng lao đồng bị tuyên bố vô hiệu từng phần như sau:

Thứ nhất, Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.

Thứ hai, Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nếu cả hai không thống nhất việc sửa đổi, bổ sung nội dung bị vô hiệu đối với hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu từng phần hoặc không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì có thể thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động. Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của hai bên từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị vô hiệu từng phần đến khi chấm dứt hợp đồng được thực hiện như trên. 

Việc giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Qua bài viết Hợp đồng lao động vô hiệu và cách xử lý theo pháp luật Việt Nam hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://icontract.com.vn/