Trang chủ Tin tức Hợp đồng thử việc cần tuân thủ gì theo quy định pháp luật 2024?

Hợp đồng thử việc cần tuân thủ gì theo quy định pháp luật 2024?

Bởi: icontract.com.vn - 08/11/2022 Lượt xem: 2491 Cỡ chữ tru cong

   Hợp đồng thử việc có cần thiết trong quá trình thử việc không? Hiện nay, có rất nhiều người lao động muốn tìm kiếm việc làm nhưng chưa nắm rõ được những quy định trong hợp đồng thử việc. Để hiểu rõ hơn về hợp đồng thử việc, bạn có thể tham khảo các thông tin dưới đây!

1. Thông tin cơ bản về hợp đồng thử việc

Hiện nay, các công ty thường yêu cầu người lao động phải trải qua quá trình thử việc sau đó mới ký kết hợp đồng lao động để trở thành nhân viên chính thức và quá trình thử việc không nhất thiết phải ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo cho người lao động có được những quyền lợi và nghĩa vụ nhất định khi chưa có hợp đồng chính thức thì hai bên có thể sử dụng hợp đồng thử việc.

hợp đồng thử việc 1

Hợp đồng thử việc và những quy định mới nhất hiện nay.

1.1 Hợp đồng thử việc là gì?

Mặc dù chưa có định nghĩa cụ thể, tuy nhiên Hợp đồng thử việc đã được quy định tại Điều 24, Bộ luật Lao động 2019 với nội dung sau: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”

Lưu ý: Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. Trong quá trình thử việc người lao động và người sử dụng lao động phải thực hiện theo các quy định và nghĩa vụ như đã thỏa thuận trong hợp đồng thử việc.

1.2 Thời gian thử việc

Để tránh tình trạng phía doanh nghiệp kéo dài thời gian thử việc của người lao động để được trả mức lương thấp hơn, tại Điều 24, Bộ luật Lao động 2019 đã đưa ra quy định về thời gian thử việc. Thời gian thử việc sẽ tự do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

hợp đồng thử việc 2

Quy định thời gian thử việc theo luật hiện hành

  • Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
  • Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
  • Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
  • Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

1.3 Mức lương thử việc

Theo Điều 26, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Mức lương thử việc ≥ 85% mức lương chính thức

1.4 Kết thúc thời gian thử việc

Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

  • Nếu thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
  • Nếu thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

Lưu ý: Trong thời gian thử việc, cả hai bên đều có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

2 Một số câu hỏi thường gặp khi thử việc

hợp đồng thử việc 3

Một số câu hỏi thường gặp khi thử việc

2.1 Thử việc có đóng Bảo hiểm xã hội không?

Căn cứ theo quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đối tượng áp dụng là:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Tiếp theo, căn cứ vào Khoản 2, Điều 24, Bộ luật Lao động 2019, nội dung của hợp đồng thử việc không có nội dung về việc đóng BHXH. Vì vậy, người sử dụng lao động không có trách nhiệm phải đóng cho người lao động trong thời gian thử việc. Tuy nhiên dựa vào Khoản 1, Điều 24 của Bộ luật này thì công ty vẫn có thể đóng BHXH cho người lao động nếu muốn.

2.2 Lương thử việc có bị tính thuế Thu nhập cá nhân không?

Theo Khoản 2, Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân thì thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân. Tiếp theo, căn cứ Điểm i, Khoản 1, Điều 25, Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định: “Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại Điểm c, d, Khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.”.

Vì vậy khi người lao động và người sử dụng lao động có ký hợp đồng thử việc hay đã thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động dưới 3 tháng với mức lương 2 triệu đồng trở lên/lần thì doanh nghiệp được phép khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân trước khi trả cho người lao động.

2.3 Thử việc nghỉ ngang có được nhận lương không?

Trong thời gian thử việc, người lao động sẽ được trả ít nhất 85% lương chính thức. Tuy nhiên Bộ luật Lao động năm 2019 lại không đề cập đến vấn đề quyền lợi của các bên khi tự ý chấm dứt hợp đồng thử việc. Do vậy, việc có trả lương cho người lao động thử việc nghỉ ngang hay không còn phụ thuộc vào các bên.

Trước tiên cần xem lại trong hợp đồng thử việc có đề cập đến việc nghỉ ngang hay không. Nếu không đề cập đến thì người lao động cần hỏi thêm về quy định và chính sách của công ty. Nếu tất cả đều không đề cập đến thì người lao động sẽ không được trả lương khi nghỉ ngang. Vậy nên, trước khi ký kết hợp đồng thử việc người lao động nên hỏi kỹ về vấn đề này.
Với bài chia sẻ trên mong rằng đã cung cấp người lao động cũng như người sử dụng lao động tất cả những thông tin cần thiết về hợp đồng thử việc. Để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ: https://icontract.com.vn/