Hợp đồng thương mại điện tử - TOP 5 điều đầy đủ & chi tiết nhất
Hợp đồng thương mại điện tử được sử dụng ngày càng phổ biến do sự ra đời và phát triển của thương mại điện tử khiến cho các giao dịch thương mại trở nên phát triển, mở rộng và tự do. Vì vậy, trong bài viết này iContract sẽ trình bày đầy đủ về Hợp đồng thương mại điện tử và vấn đề liên quan, mời Quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây!
Hợp đồng thương mại điện tử
1. Hợp đồng thương mại điện tử là gì?
Theo quy tại Điều 33 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”. Trong đó “Thông điệp dữ liệu” là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. (Khoản 12, Điều 4, Luật Giao dịch điện tử 2005).
Căn cứ Điều 385, Bộ luật Dân sự 2015 “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành Việt Nam hiện không đưa ra khái niệm “hợp đồng thương mại” cũng như khái niệm “thương mại” nói chung mà thông qua khái niệm “hoạt động thương mại” để làm rõ đặc điểm của khái niệm thương mại: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.” (Khoản 1, Điều 3, Luật Thương mại 2005).
Như vậy, có thể khái quát lại, hợp đồng thương mại điện tử là sự thỏa thuận giữa các bên trong đó có ít nhất một bên là thương nhân. Chủ thể còn lại là chủ thể có tư cách pháp lý nhằm xác lập hợp đồng dưới dạng thông điệp dữ liệu.
2. Đặc điểm hợp đồng thương mại điện tử
Đặc điểm hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng thương mại điện tử là một dạng hợp đồng giống với hợp đồng truyền thống được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005. Tuy nhiên loại hợp đồng này vẫn có những đặc điểm mà hợp đồng truyền thống không có:
- Cách thức giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại điện tử
Cách thức giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại điện tử được dựa theo quy định về Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử (Điều 35, Luật Giao dịch điện tử 2005) như sau:
(1). Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.
(2). Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng.
(3). Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.
- Sử dụng Thông điệp dữ liệu điện tử
Giao kết hợp đồng thương mại điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.
- Chủ thể của hợp đồng thương mại điện tử
Khác với các hợp đồng truyền thống, chủ thể của hợp đồng thương mại điện tử có những đặc điểm khác biệt:
- Hợp đồng thương mại điện tử được ký kết giữa các bên là thương nhân, hoặc có ít nhất một bên là thương nhân.
- Bên cạnh chủ thể giao kết thông thường còn có sự xuất hiện của bên thứ ba là các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Các tổ chức này không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử. Mà chỉ tham gia với tư cách là các cơ quan hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
- Phạm vi áp dụng có phần bị hạn chế
Dựa vào Điều 1 của Luật Giao dịch điện tử 2005 có thể thấy Hợp đồng thương mại điện tử:
- Được áp dụng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.
- Không được áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.
- Tính phi biên giới
Hợp đồng thương mại điện tử được ký kết bởi các phương tiện điện tử và mạng viễn thông. Các bên có thể trao đổi các thông tin, thỏa thuận về hợp đồng và tiến hành ký trên các thiết bị điện tử kết nối Internet một cách nhanh chóng mà không cần gặp mặt trực tiếp. Từ đó giúp việc mở rộng phạm vi ký kết hợp đồng ra khắp thế giới diễn ra một cách dễ dàng.
- Tính vô hình, phi vật chất
Do được tạo lập và ký kết bởi các thông điệp dữ liệu, việc quản lý, lưu trữ hay bảo quản một lượng lớn các hợp đồng và các thông tin dữ liệu điện tử trở nên đơn giản, tiện lợi và gọn nhẹ hơn so với việc lưu trữ trên giấy tờ. Việc này giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ số hóa việc mua bán một số sản phẩm.
3. Phân loại hợp đồng thương mại điện tử
Dựa vào hình thức, hợp đồng thương mại điện tử thường chia thành các loại sau:
Các loại hợp đồng thương mại điện tử
3.1. Hợp đồng thương mại truyền thống được đưa lên website
Một số hợp đồng truyền thống được sử dụng thường xuyên và được chuẩn hóa về nội dung do một bên soạn thảo và đưa lên website với lựa chọn “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” để các bên lựa chọn xác nhận sự đồng ý với các điều khoản của hợp đồng. Các bên thường có hai lựa chọn phổ biến để ký kết:
- Hợp đồng truyền thống được hình thành qua giao dịch tự động
- Hợp đồng có sử dụng chữ ký số.
3.2. Hợp đồng thương mại điện tử được hình thành qua giao dịch tự động
Hình thức này được sử dụng phổ biến trên website thương mại điện tử bán lẻ (B2C) như thegioididong.com, fptshop.com.vn hay dienmayxanh.com... Người mua tiến hành các bước đặt hàng trên website của người bán theo quy trình đã được tự động hóa.
Các nội dung trên hợp đồng không được soạn sẵn mà được hình thành bởi giao dịch tự động. Phần mềm sẽ tổng hợp tự động và xử lý thông tin khách hàng đã nhập vào. Sau đó khách hàng có thể xác nhận đồng ý các điều khoản của hợp đồng. Khi đã xác nhận xong, người bán nhận được thông báo về hợp đồng và gửi xác nhận đến người mua qua các hình thức như email hay số điện thoại…
3.3. Hợp đồng thương mại điện tử qua thư điện tử
Đây là hình thức được sử dụng phổ biến trong các giao dịch điện tử giữa các doanh nghiệp với nhau (B2B). Các bên sử dụng thư điện tử để chào hàng, hỏi hàng, đàm phán về các điều khoản của hợp đồng như giá cả, số lượng… Kết thúc quá trình đàm phán, các bên sẽ tổng hợp thành một hợp đồng hoàn chỉnh để thống nhất các nội dung đã nhất trí trước đó.
Ưu điểm của hình thức này là truyền tải được nhiều chi tiết, thông tin, tốc độ giao dịch nhanh, chi phí thấp… Tuy nhiên, nhược điểm lại là tính bảo mật thấp, dễ bị lộ thông tin cũng như ràng buộc trách nhiệm các bên chưa được đảm bảo.
3.4. Hợp đồng thương mại điện tử có sử dụng chữ ký số
Đây là hình thức được sử dụng trên các sàn giao dịch điện tử tiên tiến như Alibaba, Shopee, Lazada… Điểm nổi bật của hình thức này là các bên phải có chữ ký điện tử để ký vào các thông điệp dữ liệu trong quá trình giao dịch. Vì vậy loại hợp đồng này có tính bảo mật và ràng buộc trách nhiệm các bên cao hơn các hình thức trên.
Để có thể sử dụng chữ ký điện tử cần có sự tham gia của bên thứ ba là các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Hiện nay, dịch vụ này không còn quá xa lạ với nhiều người, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn, e ngại, cả về mức độ tiện lợi, tính bảo mật cũng như sự cần thiết của chữ ký số.
>>> Xem thêm : Các loại hợp đồng thương mại & xử phạt đối với hành vi vi phạm
4. Điều kiện hợp đồng thương mại điện tử được công nhận
Căn cứ Điều 34, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định việc thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”
Tiếp đó, căn cứ tại Điều 14 của luật này quy định Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ như sau:
a). Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.
b). Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
(Theo Điều 14, Luật Giao dịch điện tử 2005)
Như vậy, pháp luật công nhận tính pháp lý và được sử dụng làm chứng cứ trong trường hợp một trong hai bên không thực hiện hợp đồng hoặc vi phạm điều khoản của hợp đồng với điều kiện hợp đồng thương mại điện tử đảm bảo được các điều kiện sau:
(1) Nội dung của hợp đồng thương mại điện tử phải bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng thông điệp hoàn chỉnh (thông điệp chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu).
(2) Nội dung của thông điệp dữ liệu trong hợp đồng thương mại điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết (thông điệp dữ liệu có thể mở được, đọc được, xem được bằng phương pháp mã hoá hợp pháp đảm bảo độ tin cậy mà các bên thỏa thuận với nhau).
5. Những rủi ro trong hợp đồng thương mại điện tử
Bên cạnh các tiện ích mà giao kết hợp đồng thương mại điện tử mang lại, các bên phải vẫn đối mặt với một số rủi ro nhất định:
Rủi ro trong hợp đồng thương mại điện tử
- Rủi ro từ mặt pháp lý
Pháp luật điều chỉnh về việc giao kết hợp đồng truyền thống không đề cập đến những vấn đề như thông điệp dữ liệu, trao đổi dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử,... Do vậy không thể áp dụng pháp luật điều chỉnh các vấn đề về giao kết và thực hiện hợp đồng truyền thống để giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
- Rủi ro từ thiếu thông tin
Hợp đồng điện tử được ký kết không giới hạn không gian, phi biên giới. Chính vì vậy, vấn đề xác minh danh tính của đối tác trở nên khó khăn và có thể dẫn đến các hành vi phạm pháp như rửa tiền, làm giả giấy tờ.
- Rủi ro từ mặt kỹ thuật
Quá trình giao kết hợp đồng phụ thuộc vào tính hiện đại của công nghệ. Vì vậy, việc ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử cũng gặp phải một số khó khăn như:
- Trục trặc về kỹ thuật hay việc sử dụng kỹ thuật công nghệ chưa thành thạo có thể dẫn đến sự nhầm lẫn và rủi ro.
- Sự tấn công của tin tặc vào hệ thống máy chủ có thể bị sao chép hay đánh cắp thông tin liên quan gây mất an toàn trong công tác bảo mật thông tin của các thương vụ...
- Việc thu thập chứng cứ khi có tranh chấp khó khăn do dữ liệu có thể khó truy cập hoặc không thể truy cập, thậm chí có thể bị xóa, ghi đè, mã hóa hoặc bị ẩn.
Với những rủi ro mang tính tiềm ẩn vẫn còn tồn tại như trên. Các doanh nghiệp cũng như các bên tham gia cần thận trọng để giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại lợi ích khi tham gia.
Qua bài viết Hợp đồng thương mại điện tử và những vấn đề liên quan hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ: https://icontract.com.vn/