Trang chủ Tin tức Tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không lương khác nhau như thế nào?

Tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không lương khác nhau như thế nào?

Bởi: icontract.com.vn - 02/04/2024 Lượt xem: 189 Cỡ chữ tru cong

   Trong quá trình công tác, người lao động có mong muốn tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ không lương đặt ra câu hỏi: Có gì giống và khác nhau giữa tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không lương? Dưới đây là những giải đáp chi tiết cho bạn đọc.

1. Tạm hoãn hợp đồng lao động

Có rất nhiều trường hợp dẫn đến việc tạm hoãn hợp đồng lao động, trong đó có 4 trường hợp tuân theo luật pháp và các trường hợp khác dựa trên thỏa thuận của các bên.

1.1 Các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động

tam hoan 1

Khi nào có thể tạm hoãn hợp đồng lao động?

Theo Điều 30, Bộ luật lao động 2019, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đối với người lao động thuộc một trong số các trường hợp sau:

1. Người lao động đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, Dân quân tự vệ.

2. Người lao động buộc chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Người lao động bị tạm giữ/ tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;

4. Lao động nữ mang thai (áp dụng theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật lao động).

5. Người lao động được bổ nhiệm làm quản lý tại những doanh nghiệp/ công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

6. Người lao động được chủ sở hữu nhà nước ủy quyền đại diện để thực hiện quyền, trách nhiệm với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

7. Người lao động được doanh nghiệp ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của tổ chức đó đối với phần vốn của tổ chức đầu tư tại tổ chức khác.

8. Các trường hợp khác do sự thỏa thuận từ 2 phía (người lao động và người sử dụng lao động).

1.2 Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Không quá 15 ngày kể từ ngày hết hiệu lực tạm hoãn theo thỏa thuận, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

2. Các trường hợp nghỉ không lương và có lương

tạm hoãn 2

Người lao động được nghỉ có lương và không lương khi nào?

Trong quá trình công tác, người lao động cũng quan tâm đến những chính sách và quy định về việc nghỉ việc có lương và không lương. Dưới đây là các trường hợp người lao động cần chú ý.

2.1 Các trường hợp người lao động nghỉ việc không lương

- Khi người lao động rơi vào trường hợp sau được nghỉ không hưởng lương 1 ngày:

+ Ông/ bà nội ngoại chết;

+ Anh, chị, em ruột chết;

+ Bố hoặc mẹ kết hôn;

+ Anh, chị, em ruột kết hôn;

Lưu ý: Người lao động cần thông báo tới người sử dụng lao động về sự việc trên.

- Ngoài ra, các trường hợp muốn xin nghỉ không lương khác, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động.

2.2 Các trường hợp được nghỉ việc riêng có lương

Dưới đây là các trường hợp người lao động có thể nghỉ việc mà vẫn được hưởng lương:

  • Cá nhân người lao động kết hôn: Nghỉ 3 ngày
  • Con ruột của người lao động kết hôn: Nghỉ 1 ngày
  • Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng qua đời; Vợ/ chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.
  • Nghỉ phép theo quy định của tổ chức nơi người lao động làm việc (thông thường là 1 ngày phép/ tháng)

3. Sự giống và khác nhau giữa tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không lương?

tạm hoãn 3

So sánh tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không hưởng lương

3.1 Điểm giống:

Tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không lương thực chất đều là hai hình thức nghỉ việc trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian đó, có thể là 1 vài ngày hoặc nhiều ngày, người sử dụng lao động sẽ không cần chi trả lương cho người lao động. Nói cách khác, người lao động đều không được hưởng lương trong hai trường hợp này!

3.2 Sự khác nhau:

Thứ nhất, về tính chất hoàn cảnh.

- Trường hợp tạm hoãn đa phần do các vấn đề bất khả kháng như: Lao động nữ nghỉ sinh, lao động đi nghĩa vụ quân sự, người lao động bị tạm giữ, tạm giam, đưa vào trại giáo dưỡng…

- Trường hợp nghỉ không lương có thể đến từ nhiều lý do chủ quan từ phía người lao động. Có thể rơi vào các trường hợp như: Hiếu hỉ, việc gia đình, những chuyến đi đột ngột, việc cá nhân đột xuất…

Thứ hai, sự ảnh hưởng tới thời gian của hợp đồng lao động.

- Đối với trường hợp lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, việc tạm hoãn không ảnh hưởng tới thời gian của hợp đồng. Ví dụ, hợp đồng đó có thời hạn 1 năm, lao động làm việc được 5 tháng thì thực hiện tạm hoãn 1 tháng. Sau 1 tháng đó, người lao động vẫn tiếp tục duy trì thêm 7 tháng nữa mới kết thúc hợp đồng lao động.

- Đối với trường hợp nghỉ không hưởng lương, thời gian nghỉ vẫn thuộc thời gian công tác, tức hợp đồng không có thay đổi về mặt thời gian.

Thứ ba, về tính tiếp tục của hợp đồng.

- Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động: Không quá 15 ngày sau thời hạn tạm hoãn, người lao động cần quay lại làm việc, người sử dụng lao động cần nhận lao động trở lại.

 Nghỉ việc không hưởng lương: người lao động quay trở lại làm việc bình thường ngay sau ngày nghỉ không lương.

Thứ tư, đóng bảo hiểm xã hội.

- Tạm ngưng hợp đồng lao động: Nếu thời gian làm việc của người lao động trong tháng đó dưới 14 ngày thì không đóng BHXH tháng đó. Trường hợp đặc biệt bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét có vi phạm pháp luật hay không thì sẽ ngưng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT bằng 4,5% của 50% mức lương người lao động thực nhận hàng tháng. Sau thời gian xem xét:

  • Nếu người lao động không vi phạm pháp luật, các khoản đóng bù bao gồm: BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và truy đóng BHYT còn thiếu (không bị tính lãi đối với số tiền truy đóng đó). 
  • Nếu người lao động có tội, không đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và không truy đóng BHYT trong khoảng thời gian bị tạm giam.

- Nghỉ không hưởng lương: Chỉ đóng BHXH khi thời gian làm việc của người lao động trong tháng đó từ 14 ngày trở lên.

Trên đây là những thông tin người lao động cần biết về việc tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không lương cùng với đó là phân biệt sự khác nhau giữa hai hình thức nghỉ việc này. Bên cạnh đó, người lao động và người sử dụng cũng cần chú ý những quy định của pháp luật về việc tạm hoãn hợp đồng và các trường hợp nghỉ không lương để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.

Doanh nghiệp quan tâm về hợp đồng điện tử để quản lý hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế, vui lòng liên hệ đường dây nóng để được tư vấn miễn phí: 

  • Miền Bắc: 1900.4767.
  • Miền Trung/Nam: 1900.4768.