Trang chủ Tin tức Tìm hiểu về hợp đồng song vụ và các loại hợp đồng song vụ thường gặp

Tìm hiểu về hợp đồng song vụ và các loại hợp đồng song vụ thường gặp

Bởi: icontract.com.vn - 28/09/2022 Lượt xem: 4952 Cỡ chữ tru cong

   Hợp đồng song vụ là gì? khái niệm hợp đồng song vụ còn khá lạ lẫm đối với nhiều người. Tuy nhiên, hợp đồng song vụ là loại hợp đồng được sử dụng rất nhiều dưới dạng hợp đồng kinh doanh, hợp đồng hợp tác, hợp đồng cho thuê tài sản… mà nhiều bạn đã từng ký kết. Dưới đây là thông tin tổng hợp về hợp đồng song vụ và các loại hợp đồng song vụ nào thường gặp. 

hợp đồng song vụ 1

Hợp đồng song vụ. 

1. Hợp đồng song vụ theo quy định của pháp luật 

Để hiểu rõ về hợp đồng song vụ trước tiên cần hiểu rõ hợp đồng song vụ là gì, nội dung của hợp đồng song vụ như thế nào. 

1.1 Hợp đồng song vụ là gì?

Theo bộ luật Dân sự hợp đồng được chia ra làm 6 loại chính bao gồm: hợp đồng song vụ; hợp đồng đơn vụ; hợp đồng chính; hợp đồng phụ; hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba; hợp đồng có điều kiện. Căn cứ Khoản 1, Điều 402, Bộ Luật dân sự 2015 quy định về các loại hợp đồng chủ yếu nêu rõ: 

“Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau”

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự trong đó các bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. 

Đối lập với hợp đồng song vụ là hợp đồng đơn vụ. Hợp đồng đơn vụ được hiểu là trong đó một bên chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền; hoặc một bên có quyền mà không có nghĩa vụ. 

1.2 Nội dung chính của hợp đồng song vụ

Hợp đồng song vụ là một loại hợp đồng dân sự, do đó nội dung chính của hợp đồng song vụ sẽ bao gồm các nội dung của hợp đồng dân sự như: 

  • Đối tượng của hợp đồng;
  • Số lượng hàng hóa dịch vụ, chất lượng kèm theo;
  • Giá và phương thức thanh toán;
  • Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
  • Quyền, nghĩa vụ của các bên;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
  • Phương thức giải quyết tranh chấp.

Trong hợp đồng song vụ thì các nội dung về quyền và nghĩa vụ các bên được đặc biệt chú trọng. Ví dụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa ghi rõ bên bán có trách nhiệm giao hàng (giao vào thời gian nào, giao cho ai, ở đâu) hay bên mua tự lấy hàng (ai có trách nhiệm lấy hàng, kiểm kê, lấy khi nào, ở đâu). Trong trường hợp rủi ro tại thời điểm nào sẽ ai chịu (hàng đã xếp lên tàu, trên đường vận chuyển về hay trong kho lưu trữ tại bãi… bên nào chịu trách nhiệm).

Mỗi nội dung về quyền và nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng các bên đều phải có trách nhiệm thực hiện và hoàn thành. Việc quy định rõ sẽ giúp hai bên đạt được mục đích một cách thuận lợi tránh trường hợp xảy ra tranh chấp khó giải quyết.

3. Thực hiện hợp đồng song vụ 

Căn cứ theo quy định Tại Điều 410, Bộ luật dân sự 2015 về việc thực hiện hợp đồng song vụ quy định rõ khi các bên đã thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn, không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp sau:

  • Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
  • Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn.
  • Trong hợp đồng song vụ, khi một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi của bên kia thì có quyền yêu cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

hợp đồng song vụ 2

Nội dung hợp đồng song vụ cần làm rõ nghĩa vụ của các bên tham gia.

Bên cạnh đó, khi giao kết hợp đồng song vụ trường hợp các bên không thỏa thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau. Trường hợp nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.

Trong hợp đồng song vụ cần nêu rõ các vấn đề về phạt khi các bên không thực hiện nghĩa vụ của mình. Mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa thuận (trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác). Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

4. Các loại hợp đồng song vụ thường gặp

Trên thực tế các loại hợp đồng dân sự phát sinh nghĩa vụ của các bên đối với nhau thì đều là hợp đồng song vụ. Có rất nhiều loại hợp đồng song vụ khác nhau. Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 về các loại loại hợp đồng dân sự thì hợp đồng song vụ có thể là:

  • Hợp đồng mua bán tài sản song vụ: 

Hợp đồng mua bán tài sản song vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Ví dụ: hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để kinh doanh, 

  • Hợp đồng trao đổi tài sản song vụ: 

Hợp đồng trao đổi tài sản song vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.

Ví dụ: Bên A chuyển quyền sở hữu cho bên B một chiếc ô tô X khi bên B chuyển quyền sở hữu cho bên A một mảnh đất diện tích 700m2. 

  • Hợp đồng tặng cho tài sản song vụ:

Hợp đồng tặng cho tài sản song vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng có điều kiện mà bên được cho tặng đồng ý nhận. 

Ví dụ: Hợp đồng tặng bất động sản khi bên kia được tặng thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng đối tượng A cho đến khi A đủ 18 tuổi.

  • Hợp đồng vay tài sản song vụ: 

Hợp đồng vay tài sản song vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

hợp đồng song vụ 3

Giao kết hợp đồng song vụ.

  • Hợp đồng thuê tài sản song vụ:

Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Ví dụ: hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà kinh doanh, hợp đồng thuê xe du lịch, hợp đồng thuê xe tải…

  • Hợp đồng thuê khoán tài sản:

Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.

Ví dụ: hợp đồng thuê đất canh tác, hợp đồng thuê máy móc…

  • Hợp đồng dịch vụ song vụ:

Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Ví dụ: Hợp đồng phiên dịch, hợp đồng tư vấn luật pháp, hợp đồng bảo trì hệ thống an ninh…

  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh/ hợp tác nghiên cứu:

Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Ví dụ: hợp đồng nghiên cứu thuốc mới, hợp đồng xây dựng chung cư, hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu sản xuất…

Trên đây là thông tin hợp đồng song vụ là gì và các loại hợp đồng song vụ thường gặp. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà chúng ta có thể giao kết hợp đồng song vụ khác nhau, tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ của các bên khi thực hiện giao kết hợp đồng đảm bảo lợi ích cho mình và tránh trường hợp sai phạm dẫn đến bị phạt.