Dự án PPP là gì? Lợi ích và quy trình thực hiện dự án PPP chuẩn
Dự án PPP là gì? Hiện nay, chính phủ các nước liên tục phải đối mặt với những hạn chế về ngân sách. Các nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đầu tư phát triển như ODA ngày càng hạn hẹp và sự rủi ro đi kèm là một trong những hạn chế đối với nhu cầu vay vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Điều này đã khiến cho các dự án PPP ra đời, để hiểu thêm về dự án PPP là gì mời Quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây!
1. Tổng quan về dự án PPP
Dự án PPP đã được triển khai từ nhiều năm nay tại Việt Nam. Vậy dự án PPP là gì? Những nguyên tắc của dự án PPP là gì? Cùng tìm hiểu qua nội dung sau:
1.1 Dự án PPP là gì?
Dự án PPP là gì là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm
Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - Đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.
Vậy dự án PPP là gì? Theo Khoản 9, Điều 3, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định:
“Dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau đây:
a) Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
b) Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có;
c) Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.”
1.2 Nguyên tắc của dự án PPP
Nguyên tắc của dự án PPP là gì? Do dự án PPP dựa trên hợp đồng giữa hai bên thuộc khu vực công và khu vực tư nên việc đầu tư theo phương thức PPP phải dựa trên các nguyên tắc sau đây:
- PPP là phương thức đầu tư có mục đích công thông qua hợp đồng nhượng quyền giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư, trong đó cần phân định rõ rủi ro có thể có và cơ chế kiểm soát rủi ro.
- PPP là quan hệ đối tác, trong đó các bên tôn trọng thỏa thuận hợp đồng, đảm bảo cân bằng và bền vững lợi ích của các chủ thể (Nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng - cộng đồng).
- PPP là hợp đồng dài hạn, ẩn chứa nhiều rủi ro; cần cách làm bài bản, bố trí đủ nguồn lực đầu tư, cùng với chính sách rõ ràng, ổn định.
- Lợi nhuận của nhà đầu tư PPP được xác định thông qua cơ chế thị trường (thể hiện ở phương án tài chính cạnh tranh công bằng).
2. Lợi ích và thách thức của dự án PPP
Các dự án PPP là một hướng đi mới và mang lại nhiều nét tích cực trong môi trường đầu tư công tại Việt Nam. Vậy lợi ích của dự án PPP là gì? Thách thức của dự án PPP là gì?
2.1 Lợi ích của dự án PPP
Dự án PPP tận dụng lợi thể của cả Nhà nước và tư nhân
Lợi ích của dự án PPP là gì khi tận dụng được những lợi thế của cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Qua đó, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, khu vực tư nhân và người dân sử dụng dịch vụ công.
- Thứ nhất, dự án PPP tạo ra nhiều nguồn vốn hơn cho đầu tư phát triển: Nhà nước giảm được gánh nặng tìm kiếm, sắp xếp và phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho đầu tư phát triển. Từ đó có thể tiến hành nhiều dự án đầu tư hơn hoặc tăng quy mô cho các dự án, giúp tăng trưởng kinh tế địa phương.
- Thứ hai, tạo ra sự ổn định và tăng trưởng cho khu vực tư nhân: Khu vực tư nhân có được nhiều cơ hội đầu tư mang tính dài hạn, ít rủi ro hơn với sự đảm bảo của Nhà nước. Từ đó tạo ra sự ổn định và tăng trưởng cho khu vực tư nhân, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
- Thứ ba, giúp phân bổ, quản lý rủi ro hợp lý và hiệu quả hơn: Rủi ro dự án PPP sẽ được phân bổ cho bên nào giải quyết tốt nhất với chi phí thấp nhất. Thông thường, Nhà nước sẽ có trách nhiệm giải quyết rủi ro liên quan đến cộng đồng, môi trường, pháp luật hoặc bảo lãnh vay vốn. Khu vực tư nhân sẽ có nhiều kinh nghiệm xử lý các rủi ro về quản lý và sử dụng vốn, tiến độ, chất lượng…
- Thứ tư, tiết kiệm chi phí: Dự án PPP cho phép kết hợp hai khâu Thiết kế và Xây dựng trong cùng một hợp đồng giúp cho việc thiết kế có tính sáng tạo, tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời cũng giúp giảm thời gian xây dựng, nhanh chóng đưa công trình đi vào sử dụng.
Đối với các dự án PPP dù pháp luật không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đấu thầu để chọn nhà thầu, nhà cung cấp. Tuy nhiên khu vực tư nhân luôn có giải pháp nhằm mua sắm được hàng hoá, dịch vụ chất lượng tốt với giá cả thấp nhất.
Ngoài ra, dự án PPP còn mang lại một số lợi ích khác như nâng cao khả năng quản lý công (Nhà nước không phải làm các công việc quản lý hàng ngày vì đã giao cho khu vực tư nhân, mà tập trung và chức năng giám sát và quản lý nhà nước của mình); tạo thêm doanh thu (do khu vực Tư nhân có thể sử dụng năng lực còn dư hoặc nhượng lại các tài sản/thiết bị còn dư),..
2.2 Thách thức của dự án PPP
Bên cạnh những lợi ích đã trình trên, vậy những thách thức của dự án PPP là gì để các bên phải lưu ý để tránh thất bại khi triển khai.
- Thứ nhất, dự án có thể gây ra chi phí cao hơn: Nhà nước chỉ là một bên tham gia trong hợp đồng dự án nên lãi vay vốn của dự án PPP sẽ cao hơn so với mô hình truyền thống trước đây. Chi phí tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chi phí tư vấn, chi phí tư vấn pháp lý có thể khiến chi phí của dự án PPP cao hơn.
- Thứ hai, có thể làm giảm tính cạnh tranh: Tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư tư nhân thường khắt khe để đảm bảo chỉ những nhà đầu tư đủ năng lực tham gia, chi phí giao dịch, đấu thầu cao và phải ký hợp đồng dài hạn. Do đó tạo ra thị trường độc quyền, ít sức ép cạnh tranh để các đối tác Tư nhân được lựa chọn phấn đấu để giảm chi phí hoặc nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Thứ ba, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thấp: Tính minh bạch của dự án sẽ bị hạn chế do khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin tài chính, thương mại của các nhà đầu tư tư nhân. Ngoài ra, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thấp có thể dẫn tới việc công chúng chỉ trích sự hợp tác của Nhà nước với tư nhân và yêu cầu Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi của cộng đồng.
- Thứ tư, thời gian chuẩn bị dự án có thể dài hơn so với dự án đầu tư thông thường: Do tính phức tạp và đòi hỏi quy trình chặt chẽ nên quá trình đàm phán và đấu thầu các dự án PPP thường kéo dài. Ngoài ra, do việc phê duyệt dự án qua nhiều cấp nên khi có bất kỳ thay đổi, điều chỉnh, hay mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra thì thời gian xử lý cũng kéo dài hơn so với dự án đầu tư thông thường.
3. Hình thức hợp đồng dự án PPP
07 loại hình hợp đồng dự án PPP
Hình thức hợp đồng dự án PPP là gì? Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) số 64/2020/QH14, xác định 7 loại hình hợp đồng (gồm BOT, BTO, BOO, O&M, BTL, BLT và hợp đồng hỗn hợp), loại bỏ loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Cụ thể:
(1). Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng hoặc tổ chức bao tiêu sản phẩm, dịch vụ, bao gồm:
a) Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước.
b) Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Hợp đồng BTO): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; sau khi hoàn thành xây dựng, nhà đầu tư, doanh nghiệp chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng cho Nhà nước và được quyền kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định.
c) Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (Hợp đồng BOO): là hợp đồng dự án PPP mà nhà đầu tư, doanh nghiệp được nhượng quyền để xây dựng, sở hữu, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng.
d) Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (Hợp đồng O&M) là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng.
(2). Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế thanh toán trên cơ sở chất lượng sản phẩm, dịch vụ công, bao gồm:
a) Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (Hợp đồng BTL): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và chuyển giao cho Nhà nước sau khi hoàn thành; được quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định; cơ quan ký kết hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
b) Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (Hợp đồng BLT): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định; cơ quan ký kết hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước.
(3). Hợp đồng hỗn hợp là hợp đồng kết hợp giữa các loại hợp đồng quy định tại các mục 1, 2 trên đây.
Trong giai đoạn vừa qua, các dự án tại nước ta chủ yếu áp dụng hai loại hợp đồng BOT và BT. Tuy nhiên, đến năm 2021 đã dừng triển khai mới loại hợp đồng BT vì thời gian qua dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt; có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
4. Quy trình thực hiện dự án PPP
Quy trình thực hiện dự án PPP
Quy trình thực hiện dự án PPP là gì? Theo Căn cứ Điều 11, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định về quy trình dự án PPP như sau:
“(1). Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, quy trình dự án PPP được quy định như sau:
a) Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;
b) Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;
c) Lựa chọn nhà đầu tư;
d) Thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP;
đ) Triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.
(2). Đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, quy trình dự án PPP được quy định như sau:
a) Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;
b) Lựa chọn nhà đầu tư;
c) Nhà đầu tư được lựa chọn lập báo cáo nghiên cứu khả thi;
d) Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;
đ) Thực hiện các bước quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này.
(3). Trường hợp dự án PPP có công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc, việc tổ chức thi tuyển được xem xét, phê duyệt trong quyết định chủ trương đầu tư quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này. Việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc.
(4). Dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được xem xét chuyển đổi thành dự án PPP thì thực hiện theo quy trình quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.
(5). Chính phủ quy định chi tiết các nội dung trong quy trình dự án PPP.”
Qua bài viết Dự án PPP là gì? Lợi ích và thách thức của dự án PPP hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://icontract.com.vn/