Trang chủ Tin tức Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử theo pháp luật Việt Nam

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử theo pháp luật Việt Nam

Bởi: icontract.com.vn - 30/12/2022 Lượt xem: 1372 Cỡ chữ tru cong

   Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử vẫn là một trong những rào cản, khó khăn cản trở doanh nghiệp áp dụng Hợp đồng điện tử. Mặc dù trong thực tế, vấn đề pháp lý về hợp đồng nói chung cũng như hợp đồng điện tử nói riêng đã được quy định, ban hành khá đầy đủ và đồng bộ. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về tính pháp lý của hợp đồng điện tử!

1. Hợp đồng điện tử là gì? Cơ sở pháp lý của hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử đem đến nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí, giao kết nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp e ngại về tính pháp lý khi áp dụng. Để hiểu rõ về tính pháp lý của hợp đồng điện tử, trước tiên cần tìm hiểu về khái niệm cũng như cơ sở pháp lý của loại hợp đồng này.

giá trị pháp lý 1

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử được thừa nhận khi tuân theo đúng quy định pháp luật

1.1 Khái niệm hợp đồng điện tử

Theo quy định tại Điều 33 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”. Trong đó “Thông điệp dữ liệu” là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. (Khoản 12, Điều 4, Luật Giao dịch điện tử 2005).

1.2 Cơ sở pháp lý của hợp đồng điện tử

Để tạo ra tính đồng bộ và đảm bảo giá trị pháp lý cũng như tính an toàn và đảm  bảo thông tin của thông điệp dữ liệu điện tử trong Hợp đồng điện tử. Pháp luật Việt Nam đã ban hành Luật Giao dịch điện tử 2005 dựa trên sự kế thừa của các điều khoản của Luật mẫu về Thương mại điện tử năm 1996 của UNCITRAL (Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế).

Tiếp theo đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Cũng như Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

2. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

giá trị pháp lý 2

Hợp đồng điện tử có tính pháp lý như hợp đồng truyền thống

Ngoài hình thức văn bản truyền thống, pháp luật hiện hành Việt Nam cũng thừa nhận một thể thức tương đương văn bản, đó là thông điệp dữ liệu. Theo Điều 14, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ như sau:

“(1). Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

(2). Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Tiếp theo đó tại Điều 34, Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng thừa nhận:

“Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”

Có thể thấy giá trị pháp lý hợp đồng điện tử giống như hợp đồng truyền thống. Đồng thời khẳng định pháp luật Việt Nam công nhận hiệu lực của các hợp đồng điện tử. Vì vậy, doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức giao kết hợp đồng điện tử trong lĩnh vực nhà nước cho phép để tối ưu về quy trình kinh doanh và chi phí hoạt động, tiết kiệm thời gian, giao kết nhanh chóng và tiện lợi.

3. Điều kiện để hợp đồng điện tử được công nhận

giá trị pháp lý 3

Điều kiện để hợp đồng điện tử được công nhận

Căn cứ vào Điều 35, Luật Giao dịch dân sự 2005 quy định về Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử như sau:

“(1). Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.

(2). Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng.

(3). Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.”

Khi làm việc với bên thứ ba như Ngân hàng, cơ quan Nhà nước, cơ quan Thuế hay cơ quan Tòa án, để chứng minh được giá trị pháp lý như bản gốc của Hợp đồng điện tử, căn cứ vào Điều 9, Nghị định 52/2013/NĐ-CP và được sửa đổi tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP chứng từ điện tử cần thỏa mãn những điều kiện sau:

Thứ nhất, Có sự bảo đảm đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ thời điểm thông tin được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng chứng từ điện tử;

Thứ hai, Thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.

Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị chứng từ điện tử. Còn tiêu chí về sự bảo đảm đủ tin cậy là khi một trong những biện pháp sau được áp dụng trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên trao đổi và sử dụng chứng từ điện tử:

(1) Ký chứng từ điện tử bằng chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hợp pháp cấp.

(2) Lưu trữ chứng từ điện tử tại hệ thống của một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử mà các bên thỏa thuận lựa chọn.

(3) Có sự bảo đảm từ phía thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng cho việc khởi tạo, gửi và lưu trữ chứng từ điện tử về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử trong quá trình gửi và lưu trữ trên hệ thống.

(4) Biện pháp khác mà các bên thống nhất lựa chọn.

Qua bài viết trên, có thể thấy rằng tính pháp lý của Hợp đồng điện tử được công nhận nếu tuân thủ theo đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nếu Quý bạn đọc có bất cứ câu hỏi liên quan tới phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ đến Hotline: Miền Bắc: 1900 4767, Miền Nam/Miền Trung: 1900 4768 hoặc Tel: 024.3754522 để được tư vấn.