Trang chủ Tin tức Hợp đồng dân sự là gì & các loại hợp đồng dân sự thường gặp

Hợp đồng dân sự là gì & các loại hợp đồng dân sự thường gặp

Bởi: icontract.com.vn - 06/06/2022 Lượt xem: 4106 Cỡ chữ tru cong

   Luật hợp đồng dân sự và nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng dân sự Việt Nam như thế nào? Trên cơ sở nền tảng các kiến thức về hợp đồng dân sự và luật hợp đồng Việt Nam sẽ giúp cho các cá nhân, chủ thể tham gia ký kết hợp đồng được thuận lợi và thành công, giảm thiểu tối đa các rủi ro.  

hợp đồng dân sự 1

Nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng Việt Nam.
 

1. Hợp đồng là gì?

Để hiểu về luật hợp đồng dân sự Việt Nam Căn cứ theo quy định tại  Điều 385, Bộ luật Dân sự năm 2015 khái niệm về hợp đồng dân sự được định nghĩa như sau:

“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”

Khái niệm hợp đồng trên còn được quy định tại Điều 394, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 và Điều 388, BLDS năm 2005 của Việt Nam và được thống nhất theo Điều 385, Bộ luật Dân sự năm 2015. Trước đây, hợp đồng tồn tại dưới dạng khế ước, theo Điều 653, Bộ Dân luật Việt Nam Cộng hòa năm 1972 quy định: 

“Khế ước hay hiệp ước là một hành vi pháp lý do sự thỏa thuận giữa hai người hay nhiều người để tạo lập, di chuyển, biến cải hay tiêu trừ một quyền lợi, đối nhân hay đối vật”. 

Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, hợp đồng điện tử được phát triển nhanh chóng và dần thay thế cho hợp đồng giấy và mang đến nhiều tiện ích cho các bên tham gia. Căn cứ theo Luật giao dịch điện tử năm 2005, hợp đồng điện tử được định nghĩa như sau:  

Hợp đồng điện tử là loại hợp đồng mà các bên tham gia thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ gửi đi, nhận lại, đồng thời được lưu trữ trên các phương tiện điện tử như công nghệ điện tử, kỹ thuật số, quang học cùng các phương tiện điện tử khác”

Tùy theo điều kiện các cá nhân, pháp nhân có thể thực hiện ký kết hợp đồng giấy hoặc hợp đồng điện tử. Tuy nhiên nội dung hợp đồng và phương thức ký kết sẽ cần tuân theo những nguyên tắc nhất định theo pháp luật hợp đồng Việt Nam.

2. Nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng Việt Nam 

Trong Bộ luật dân sự năm 2005, chế định hợp đồng có nhiều nguyên tắc chi phối và có sự trùng lặp lẫn nhau cụ thể như: 

  • Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 3); 
  • Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 283); 
  • Nguyên tắc giao kết hợp đồng (Điều 389) 
  • Nguyên tắc thực hiện hợp đồng (Điều 412). 

Theo đó, khiến cho việc xác định nguyên tắc nào là nguyên tắc chung xuyên suốt BLDS và nguyên tắc nào là nguyên tắc riêng chỉ ở một vài chế định mới có gặp khó khăn. Trên thực tế, nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng Việt Nam cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam. Các nguyên tắc này sẽ bao gồm các nguyên tắc chính như: 

(1) Nguyên tắc tự do ý chí

Nguyên tắc tự do ý chí trong pháp luật hợp đồng được hiểu là các bên được tự do giao kết hợp đồng. Các bên được tự do xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng

(2) Nguyên tắc thiện chí

Nguyên tắc thiện chí trong luật hợp đồng được hiểu các bên phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực. Các bên đều bình đẳng, đồng thời không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

hợp đồng dân sự 2

Hợp đồng được ký kết dựa trên nguyên tắc thiện chí giữa các bên.
 

(3) Nguyên tắc áp dụng tập quán

Tập quán theo Điều 5, Bộ luật dân sự là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể. Đồng thời, quy tắc xử sự được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

Nguyên tắc tập quán trong luật hợp đồng được hiểu là trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật.

3. Các loại hợp đồng dân sự 

Đa số người lao động đã từng ký kết hợp đồng dân sự tuy nhiên lại rất nhiều người không biết điều này. Theo Bộ luật dân sự 2015 và quy định về pháp luật hợp đồng, dưới đây là những loại hợp đồng dân sự thường thấy nhất. 

(1) Hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản theo quy định tại Điều 430, Bộ luật dân sự 2015 chính là hợp đồng sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

(2) Hợp đồng trao đổi tài sản

Hợp đồng trao đổi tài sản theo quy định tại Điều 455,  Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.

(3) Hợp đồng tặng cho tài sản

Hợp đồng tặng cho tài sản theo quy định tại Điều 457, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, mà bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho đồng thời không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

(4) Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản theo quy định tại Điều 463, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, mà bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Đồng thời khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

hợp đồng dân sự 3

Hợp đồng vay mượn tài sản, hợp đồng thuê tài sản là hợp đồng dân sự.
 

(5) Hợp đồng thuê tài sản

Hợp đồng thuê tài sản quy định tại Điều 472, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. VD: hợp đồng thuê nhà, hợp đồng thuê ô tô, máy móc 

(6) Hợp đồng thuê khoán tài sản

Hợp đồng thuê khoán tài sản quy định tại Điều 483, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, mà bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán đồng thời bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.

(7) Hợp đồng mượn tài sản

Hợp đồng mượn tài sản được quy định tại Điều 494, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, mà bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền. Đồng thời bên mượn có trách nhiệm phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

(8) Hợp đồng về quyền sử dụng đất

Hợp đồng về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 500, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, mà người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia. Đồng thời bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.

(9) Hợp đồng hợp tác

Hợp đồng hợp tác được quy định tại Điều 504, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

(10) Hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ được quy định tại Điều 513, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

(11) Hợp đồng vận chuyển

Hợp đồng vận chuyển có hợp đồng vận chuyển hành khách và hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Trong đó:

  • Hợp đồng vận chuyển hành khách (theo Điều 522, Bộ luật dân sự 2015) là sự thỏa thuận giữa các bên, mà bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
  • Hợp đồng vận chuyển tài sản (theo Điều 530, Bộ luật dân sự 2015) là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.

(12) Hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công được quy định tại Điều 542, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, mà bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.

(13) Hợp đồng giữ tài sản

Hợp đồng giữ tài sản quy định tại Điều 542, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.

(14) Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản quy định tại Điều 554, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi và khi hết thời hạn hợp đồng đã giao kết, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

(15) Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền quy định tại Điều 562, Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

   Qua bài viết Hợp đồng dân sự và nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng Việt Nam hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Để tìm hiểu thêm về ký kết hợp đồng điện tử qua môi trường mạng và nguyên tắc ký kết hợp đồng điện tử bạn đọc vui lòng theo dõi tại website: https://icontract.com.vn/