Hợp đồng ủy quyền là gì? Tổng hợp quy định về hợp đồng ủy quyền
Trong xã hội ngày nay, các giao dịch về dân sự, thương mại diễn ra thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, không phải lúc nào chủ thể cũng có thể trực tiếp tham gia vào việc thực hiện giao dịch. Do đó, hợp đồng ủy quyền trở thành phương tiện hữu ích, căn cứ pháp lý để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên.
1. Hợp đồng ủy quyền là gì?
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền và bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.
Hợp đồng ủy quyền là loại hợp đồng phổ biến trong giao dịch dân sự và thương mại.
Ngoài ra, thời hạn ủy quyền sẽ do các bên tự thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Trường hợp không có quy định cụ thể, thời hạn của hợp đồng sẽ mặc định là 01 năm kể từ thời điểm xác lập việc ủy quyền.
2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng ủy quyền
Theo Điều 565 đến Điều 568, Bộ luật dân sự 2015, quyền và nghĩa vụ của các bên đã được quy định cụ thể như sau:
2.1. Bên ủy quyền:
- Quyền lợi:
- Bên ủy quyền có thể yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ, kịp thời về tiến độ công việc ủy quyền.
- Có quyền yêu cầu bên được ủy quyền trao trả lại tài sản và lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
- Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên được ủy quyền vi phạm hợp đồng theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015.
- Nghĩa vụ của bên ủy quyền:
- Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền hoàn thành công việc.
- Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
- Thanh toán đầy đủ chi phí hợp đồng.
Các bên tham gia hợp đồng ủy quyền có quyền và nghĩa vụ rõ ràng.
2.2. Bên được ủy quyền:
- Quyền lợi:
- Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp đầy đủ thông tin và các tài liệu cần thiết để hoàn thành công việc ủy quyền.
- Được nhận thù lao và các khoản chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
- Nghĩa vụ:
- Thực hiện công việc theo hợp đồng và báo cáo đầy đủ, chính xác về tiến độ thực hiện công việc cho bên ủy quyền.
- Báo với người thứ 3 trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi hoặc bổ sung phạm vi ủy quyền.
- Giữ gìn và bảo quản tài liệu, phương tiện để thực hiện công việc.
- Giữ bảo mật thông tin khi thực hiện ủy quyền.
- Bàn giao lại cho bên ủy quyền các tài sản đã nhận và các lợi ích thu được khi thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận.
- Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm hợp đồng.
3. Một số lưu ý khi thực hiện hợp đồng ủy quyền
3.1. Bên được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác hay không?
Theo quy định, bên được ủy quyền sau khi đã nhận ủy quyền, có thể ủy quyền lại cho người khác trong một số trường hợp sau:
Một là, được bên ủy quyền đồng ý. Hai là, trong trường hợp bất khả kháng, nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền sẽ không thể thực hiện được.
Lưu ý, khi thực hiện ủy quyền lại cho bên thứ 3, cần chú ý đến phạm vi ủy quyền ban đầu và hình thức ủy quyền lại. Theo đó, phạm vi ủy quyền không được phép vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu và hình thức phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
Cần lưu ý gì khi thực hiện hợp đồng ủy quyền?
3.2. Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền không?
Điều 569, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ, các bên có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền trong một số trường hợp sau đây:
- Đối với bên ủy quyền:
+ Trường hợp ủy quyền có thù lao: Bên ủy quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào khi đã trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với số công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện. Đồng thời, phải bồi thường thiệt hại cho bên được ủy quyền.
+ Trường hợp ủy quyền không có thù lao: Bên ủy quyền được quyền chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào với điều kiện phải báo trước cho bên được ủy quyền trước một thời gian hợp lý.
+ Phải báo bằng văn bản cho bên thứ ba biết về việc chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp không báo trước, hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
- Đối với bên được ủy quyền:
+ Trường hợp ủy quyền có thù lao: Bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu xảy ra thiệt hại, bên được ủy quyền phải bồi thường cho bên ủy quyền.
+ Trường hợp ủy quyền không có thù lao: Bên được ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền.
Trên đây là một số quy định về hợp đồng ủy quyền. Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích cho quý độc giả. Việc soạn thảo hợp đồng một cách chính xác và đầy đủ sẽ giúp các bên tham gia hợp đồng bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.