Trang chủ Tin tức Hợp đồng điện tử là gì ? Những đặc điểm cơ bản & giá trị pháp lý

Hợp đồng điện tử là gì ? Những đặc điểm cơ bản & giá trị pháp lý

Bởi: icontract.com.vn - 28/03/2022 Lượt xem: 1761 Cỡ chữ tru cong

   Hợp đồng điện tử đang được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp lớn có số lượng lớn hợp đồng giấy hằng năm. Đây là kết quả của nền khoa học kỹ thuật hiện đại áp dụng vào trong mọi mặt của kinh tế. Vậy, để tìm hiểu các vấn đề xoay quanh hợp đồng điện tử, mời Quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây!

hợp đồng điện tử

Một số vấn đề cần biết về hợp đồng điện tử

1. Một số thông tin cơ bản về hợp đồng điện tử

Trước khi tìm hiểu các vấn đề sâu hơn về hợp đồng điện tử, việc cắt nghĩa cụm từ “Hợp đồng điện tử” là điều cần thiết.

1.1. Hợp đồng điện tử là gì?

Dựa theo Điều 33, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định, hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật Giao dịch điện tử ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2005. 

Trong đó, thông điệp dữ liệu là dạng thông tin được tạo ra, gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Theo đó, khi giao kết hợp đồng điện tử, các bên sẽ sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch.

1.2. Có những loại hợp đồng điện tử nào?

Phân loại theo công nghệ thực tiễn sử dụng trong quá trình ký kết hợp, hợp đồng điện tử chia thành 03 loại: 

hợp đồng điện tử 1

Hợp đồng điện tử được phân loại theo các tiêu chí khác nhau

a) Hợp đồng truyền thống được một bên đưa lên web 

Hợp đồng truyền thống khi đã được chuẩn hóa về nội dung sẽ được soạn thảo và đưa lên website để các bên thực hiện ký kết. Các bên sẽ tiến hành xác nhận đồng ý/không đồng ý các điều khoản trong hợp đồng. Nếu đồng ý, các bên tiến hành ký kết theo 02 dạng: 

  • Hợp đồng truyền thống hình thành qua giao dịch tự động;
  • Hợp đồng điện tử có chữ ký số.

b) Hợp đồng điện tử hình thành qua giao dịch điện tử

Với loại hợp đồng này nội dung được hình thành thông qua giao dịch tự động. Cụ thể, máy tính tổng hợp và xử lý nội dung dựa trên thông tin khách hàng nhập vào. Sau đó, máy tính gửi bản hợp đồng đã được xử lý cho khách hàng xác nhận. Bên bán nhận được thông tin sẽ gửi xác nhận cho người mua thông qua các hình thức như email,số điện thoại,...

c) Hợp đồng điện tử hình thành qua thư điện tử 

Là loại hợp đồng tương tự như hợp đồng truyền thống nhưng phương thức ký kết là qua email, máy tính…

Phân loại theo chủ thể, mục đích, nội dung,... hợp đồng điện tử có 03 loại: 

- Hợp đồng lao động điện tử

Hợp đồng lao động điện tử là hợp đồng về cơ bản giống hợp đồng truyền thống ở chỗ có sự ký kết của hai bên là người lao động và người sử dụng lao động, giá trị pháp lý như nhau. Tuy nhiên, điểm khác so với hợp đồng truyền thống ở chỗ, hợp đồng lao động điện tử ký kết thông qua phương tiện điện tử.

Giống hợp đồng lao động truyền thống, hợp đồng lao động điện tử cũng có 02 loại:

  • Hợp đồng lao động xác định thời gian; 
  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

- Hợp đồng dân sự điện tử

Hợp đồng dân sự điện tử là hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Đặc điểm của giao dịch dân sự điện tử là chủ thể là cá nhân và pháp nhân, hai bên hướng tới lợi ích hợp pháp của các bên cùng với đó là thể hiện quyền và nghĩa vụ giữa các bên với nhau thông qua thông điệp dữ liệu theo quy định của giao dịch điện tử.

Một số loại hợp đồng dân sự điện tử phổ biến như:

  • Hợp đồng song vụ;
  • Hợp đồng đơn vụ;
  • Hợp đồng chính;
  • Hợp đồng phụ;
  • Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba;
  • Hợp đồng có điều kiện.

- Hợp đồng thương mại điện tử

Hợp đồng thương mại điện tử là hợp đồng có 02 chủ thể tham gia ký kết là thương nhân và một bên là chủ thể có tư cách pháp lý, mục đích của hợp đồng là hướng tới lợi nhuận với đối tượng là hàng hóa. Bên chủ thể có tư cách pháp lý có trách nhiệm xác định chức năng pháp lý của hợp đồng dưới dạng thông điệp dữ liệu. Ngoài ra, các thông điệp dữ liệu này cần phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng thương mại điện tử có 02 loại:

  • Hợp đồng mua bán hàng hóa;
  • Hợp đồng dịch vụ.

1.3. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Căn cứ tại Điều 34, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định:

“Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

(Theo Điều 34, Luật Giao dịch điện tử 2005)

Bên cạnh đó, Điều 14 của Luật này quy định:

“Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu, cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu, cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.

(Theo Điều 14, Luật Giao dịch điện tử 2005)

Như vậy, dù hợp đồng điện tử thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu thì giá trị pháp lý của nó vẫn được pháp luật thừa nhận.

2. Ưu và nhược điểm của hợp đồng điện tử

Tuy là sản phẩm của nền khoa học kỹ thuật hiện đại, đem lại nhiều tiện ích cho người dùng song hợp đồng điện tử cũng có những ưu và nhược điểm của nó.

hợp đồng điện tử 2

Hợp đồng điện tử đem lại nhiều ưu điểm bên cạnh đó vẫn tồn tại một số nhược điểm nhất định

2.1. Ưu điểm của hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử có nhiều ưu điểm so với hợp đồng truyền thống. Chúng ta có thể kể đến một số ưu điểm nổi trội như sau:

  • Nhanh chóng, tiện lợi và an toàn

Khi sử dụng hợp đồng điện tử, người dùng có thể ký kết ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào mà không sợ gián đoạn, ảnh hưởng tới công việc của đối tác. Bên cạnh đó, hợp đồng điện tử bảo mật thông tin cao đưa đến sự an toàn trong quá trình sử dụng. Đồng thời, việc dùng hợp đồng điện tử giúp cho doanh nghiệp bảo vệ môi trường, tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu suất kinh doanh.

  • Dễ dàng sử dụng, lưu trữ và tìm kiếm

Khi đã điện tử hóa hợp đồng, người dùng có thể dễ dàng lưu trữ, tìm kiếm thông tin chỉ bằng và thao tác đơn giản trên máy tính. Hơn nữa, khi chuyển hợp đồng sang dạng điện tử thì việc truy cập, tra cứu và lọc thông tin cũng trở nên dễ dàng hơn so với sử dụng hợp đồng truyền thống.

  • Tiết kiệm thời gian, chi phí

Nếu như hợp đồng giấy người dùng cần phải tốn một khoản chi phí cho in ấn, quản lý, chuyển phát hợp đồng thì khi dùng hợp đồng điện tử doanh nghiệp có thể hoàn thiện các công việc đó thông qua một vài thao tác đơn giản từ máy tính có kết nối internet. Từ đó, việc quản lý, in ấn, lưu trữ, ký, gửi hợp đồng,... sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

2.2. Nhược điểm của hợp đồng điện tử

Tuy hợp đồng điện tử mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích thiết thực nhưng cũng có một vài điểm hạn chế như sau:

  • Hợp đồng điện tử có thể ký kết không giới hạn không gian, phi biên giới cho nên khi xảy ra tranh chấp giữa các bên rất khó giải quyết. Do vậy, các bên nên có thêm các thỏa thuận để hạn chế rủi ro này.
  • Mặc dù được bảo mật nhưng khi đưa hợp đồng cho các bên ủy quyền lưu trữ hoặc chứng thực thông tin thì dữ liệu về hợp đồng có khả năng bị rò rỉ cao. Đặc biệt, dữ liệu điện tử có thể bị hacker mạng tấn công.

Như vậy, hợp đồng điện tử là kết quả của nền công nghiệp 4.0 với sự ra đời nhằm đem lại hiệu quả tối đa trong quá trình sử dụng. Bên cạnh giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, người dùng đặc biệt là cách doanh nghiệp cần nắm rõ ưu và nhược điểm của loại hợp đồng này nhằm phát huy tối đa ưu điểm, hạn chế và đưa ra giải pháp khắc phục nhược điểm.