Hợp đồng EPC là gì? Nguyên tắc áp dụng và ký kết hợp đồng EPC
Hợp đồng EPC là hợp đồng được thực hiện tại nhiều dự án đầu tư xây dựng, trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, hóa chất, giao thông,... tại Việt Nam trong thời gian qua, với nhiều nguồn vốn khác nhau, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhà thầu và chủ đầu tư. Vậy cụ thể hợp đồng EPC là gì, mời Quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây!
1. Hợp đồng EPC là gì?
Hợp đồng EPC là hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị.
Các dự án thực hiện theo hợp đồng EPC có thể kể đến như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự án Cảng nhập than Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân hay dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Vậy hợp đồng EPC là gì? Căn cứ theo Điểm d, Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điểm g, Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP như sau:
“Hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (viết tắt là hợp đồng EPC) là hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử, nghiệm thu, bàn giao cho bên giao thầu; hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng.”
2. Nguyên tắc áp dụng hợp đồng EPC
Hợp đồng EPC áp dụng với những dự án phức tạp.
Căn cứ vào Điều 3, Thông tư số 30/2016/TT-BXD, nguyên tắc áp dụng hợp đồng bao gồm:
Thứ nhất, Căn cứ đặc điểm, tính chất và quy mô của dự án, gói thầu EPC và các quy định của pháp luật Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức hợp đồng EPC cho các dự án, gói thầu xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hiệu quả của dự án.
Thứ hai, Hợp đồng EPC chỉ áp dụng đối với những dự án, gói thầu xây dựng cần rút ngắn thời gian thực hiện; những dự án phức tạp, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ.
Thứ ba, Bên nhận thầu thực hiện hợp đồng phải có đủ điều kiện về kinh nghiệm, năng lực tài chính, hành nghề và năng lực hoạt động đối với toàn bộ phạm vi công việc cần thực hiện của hợp đồng. Bên nhận thầu EPC không được giao thầu phụ quá 60% khối lượng công việc thuộc phạm vi hợp đồng.
Thứ tư, Việc quản lý chi phí hợp đồng không được vượt giá hợp đồng EPC đã ký kết theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng.
Thứ năm, Hồ sơ thiết kế của các dự án, gói thầu áp dụng hợp đồng phải đáp ứng yêu cầu tại Khoản 1, Điều 54, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Thứ sáu, Việc ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng được quy định tại Điều 4, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
3. Quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu EPC
Căn cứ tại Điều 31, Nghị định 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 50/2021/NĐ-CP quy định về Quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu EPC như sau:
Quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu EPC
3.1 Quyền của bên giao thầu EPC
Bên giao thầu EPC có những quyền sau:
- Từ chối nghiệm thu sản phẩm không đạt chất lượng theo hợp đồng; không nghiệm thu thiết bị công nghệ không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng.
- Kiểm tra việc thực hiện các công việc của bên nhận thầu theo nội dung hợp đồng đã ký kết nhưng không được làm cản trở hoạt động bình thường của bên nhận thầu.
- Tạm dừng việc thực hiện công việc theo hợp đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả khi phát hiện bên nhận thầu thực hiện công việc vi phạm các nội dung đã ký kết trong hợp đồng hoặc các quy định của nhà nước.
- Yêu cầu bên nhận thầu bàn giao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sản phẩm của hợp đồng theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
- Xem xét, chấp thuận danh sách các nhà thầu phụ đủ điều kiện năng lực chưa có trong hợp đồng EPC theo đề nghị của bên nhận thầu.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3.2 Nghĩa vụ của bên giao thầu EPC
Nghĩa vụ của bên giao thầu EPC gồm:
- Thanh toán cho bên nhận thầu theo tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng.
- Cử và thông báo bằng văn bản cho bên nhận thầu về nhân lực chính tham gia quản lý và thực hiện hợp đồng.
- Cung cấp cho bên nhận thầu thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc (nếu có thỏa thuận trong hợp đồng).
- Ngay sau khi thiết kế cơ sở/ thiết kế FEED được phê duyệt: Nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kịp thời các thiết kế được triển khai sau thiết kế cơ sở/ thiết kế FEED đã được người quyết định đầu tư quyết định khi phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật, không bao gồm dự toán xây dựng của các công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi của hợp đồng EPC.
- Xin giấy phép xây dựng theo quy định, bàn giao mặt bằng sạch cho bên nhận thầu theo tiến độ thực hiện hợp đồng.
- Giám sát việc thực hiện công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết; kiểm tra các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định.
- Thỏa thuận với bên nhận thầu về hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị công nghệ.
- Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng đúng thời hạn theo quy định.
- Bảo đảm quyền tác giả đối với các sản phẩm tư vấn theo hợp đồng.
- Tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành sử dụng công trình.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu EPC
Căn cứ tại Điều 32, Nghị định 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 50/2021/NĐ-CP quy định về Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu EPC như sau:
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu EPC
4.1 Quyền của bên nhận thầu EPC
Bên nhận thầu EPC có những quyền lợi như sau:
- Yêu cầu bên giao thầu cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện làm việc liên quan đến công việc của hợp đồng theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
- Được đề xuất với bên giao thầu về những công việc phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng; từ chối thực hiện những công việc ngoài phạm vi hợp đồng khi chưa được hai bên thống nhất hoặc những yêu cầu trái pháp luật của bên giao thầu.
- Tổ chức, quản lý thực hiện các công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
4.2 Nghĩa vụ của bên nhận thầu EPC
Nghĩa vụ của bên nhận thầu EPC gồm:
- Cung cấp đủ nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị và các phương tiện cần thiết khác để thực hiện các công việc theo hợp đồng.
- Tiếp nhận, quản lý, bảo quản, bàn giao lại các tài liệu, phương tiện do bên giao thầu cung cấp (nếu có thỏa thuận trong hợp đồng).
- Thông báo cho bên giao thầu về những thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện làm việc không đảm bảo ảnh hưởng đến việc thực hiện công việc.
- Giữ bí mật các thông tin liên quan đến hợp đồng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện công việc theo hợp đồng đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ và các thỏa thuận khác trong hợp đồng.
- Ngay sau khi thiết kế cơ sở/ thiết kế FEED được phê duyệt: Lập các thiết kế được triển khai sau thiết kế cơ sở/ thiết kế FEED đã được người quyết định đầu tư quyết định khi phê duyệt dự án phù hợp với thiết kế cơ sở/ thiết kế FEED được duyệt, không bao gồm dự toán xây dựng các hạng mục công trình, công trình thuộc phạm vi của hợp đồng EPC.
- Tổ chức việc mua sắm, chế tạo và cung cấp thiết bị công nghệ đáp ứng yêu cầu và tiến độ thực hiện của hợp đồng; lựa chọn nhà thầu phụ (nếu có) thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu trình chủ đầu tư chấp thuận; thỏa thuận và thống nhất với chủ đầu tư về nội dung hồ sơ mời thầu mua sắm các thiết bị công nghệ (nếu có thỏa thuận trong hợp đồng).
- Tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành sử dụng công trình, chuyển giao công nghệ và dịch vụ kỹ thuật kèm theo (nếu có thỏa thuận trong hợp đồng).
- Thực hiện các công việc thử nghiệm, hiệu chỉnh, vận hành chạy thử đồng bộ công trình và bàn giao công trình hoàn thành cho bên giao thầu theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Đảm bảo các sản phẩm do mình cung cấp không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
- Bàn giao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sản phẩm của hợp đồng cho bên giao thầu theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Qua bài viết trên hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ: Hotline: Miền Bắc: 1900 4767, Miền Nam/Miền Trung: 1900 4768 hoặc Tel: 024.3754522.