Hợp đồng gia công là gì? Khái niệm, đặc điểm của hợp đồng gia công
Hợp đồng gia công là gì? Thực tế hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm được cá nhân hóa đang tăng lên, bên cạnh đó là sự trỗi dậy của các sản phẩm thông minh khiến cho ngành gia công ngày càng có cơ hội phát triển, các hợp đồng gia công được sử dụng phổ biến hơn. Để biết thêm những thông tin về loại hợp đồng này, mời Quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây!
1. Hợp đồng gia công là gì?
Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên.
Trước tiên cần hiểu, gia công là gì? Theo Điều 178, Luật Thương mại 2005 quy định như sau: “Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.”.
Theo Điều 542, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.”.
Tại Điều 179, Luật Thương mại 2005 cũng quy định: “Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.”.
2. Đối tượng hợp đồng gia công
Hàng hóa không thuộc diện cấm kinh doanh đều có thể được gia công.
Điều 543, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”. Trong đó, Vật là một loại sản phẩm, hàng hóa do bên thuê gia công đặt theo hợp đồng. Mẫu của vật này có thể do bên thuê gia công chỉ định hoặc do bên gia công đưa ra và bên thuê gia công chấp nhận.
Tại Điều 180, Luật Thương mại 2005, cũng quy định:
“(1). Tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh.
(2). Trường hợp gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.”.
3. Đặc điểm pháp lý
Hợp đồng gia công mang một số đặc điểm như sau:
- Là hợp đồng song vụ
Bên gia công có quyền yêu cầu bên đặt gia công chuyển vật liệu đạt tiêu chuẩn về chất lượng, chủng loại, tính đồng bộ và số lượng cùng vật mẫu, bản vẽ để chế tạo. Bên gia công yêu cầu bên đặt gia công nhận tài sản mới do bên gia công tạo ra và trả tiền công như đã thoả thuận.
- Là hợp đồng có đền bù
Thù lao mà bên thuê gia công phải trả cho bên gia công là khoản đền bù. Bên nhận gia công có thể nhận khoản đền bù tiền hoặc bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công tùy theo thỏa thuận.
- Hợp đồng gia công có kết quả được vật thể hoá.
Là loại hợp đồng có đối tượng là công việc có kết quả tạo ra tài sản mới. Kết quả của công việc gia công phải theo khuôn mẫu mà bên gia công yêu cầu. Nếu pháp luật đã quy định tiêu chuẩn riêng cho tài sản gia công thì bên gia công phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn này.
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Bên nhận gia công phải giao sản phẩm cho bên đặt gia công.
4.1. Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công
Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công được quy định tại Điều 544, 545, Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 181, Luật Thương mại 2005 như sau:
+ Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.
+ Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng. Cử người đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công, cử chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thoả thuận trong hợp đồng.
+ Chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hàng hoá gia công, nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công.
+ Trả tiền công theo đúng thỏa thuận.
+ Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
+ Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
+ Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
4.2. Quyền và nghĩa vụ bên nhận gia công
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công được quy định tại Điều 546, 547, Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 182, Luật Thương mại 2005 như sau:
+ Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
+ Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp.
+ Báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội.
+ Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.
+ Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
+ Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
+ Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
+ Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.
+ Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận.
Trên đây là những chia sẻ về Hợp đồng gia công. Ngoài ra, Quý khách hàng có những thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://icontract.com.vn/