Trang chủ Tin tức Lưu ý quan trọng khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần

Lưu ý quan trọng khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần

Bởi: icontract.com.vn - 28/06/2023 Lượt xem: 2588 Cỡ chữ tru cong

   Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần là tài liệu pháp lý quan trọng khi cổ đông chuyển nhượng lại cổ phần của mình cho một cổ đông khác. Dưới đây là một số lưu ý không thể bỏ qua khi thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và cách tính thuế khi chuyển nhượng cổ phần. 

1. Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần là gì?

Theo quy định tại Điều 127, Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ một số trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 120, Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần.

Trong đó, điều luật này nêu rõ, việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp các cổ đông thực hiện chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng sẽ phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền ký đóng dấu (nếu có). 

hợp đồng chuyển nhượng 1

Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần là gì?

Như vậy, có 02 hình thức chuyển nhượng cổ phần: Chuyển nhượng bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. 

Hiểu đơn giản, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên (bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng) về việc chuyển nhượng cổ phần. Trong đó, hợp đồng đảm bảo đầy đủ các nội dung:

- Đối tượng của hợp đồng (tổ chức phát hành cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá, số lượng,…)

- Phương thức và thời hạn thanh toán.

- Quyền và nghĩa vụ của các bên.

- Cam kết của các bên.

- Thay đổi và bổ sung các điều khoản hợp đồng.

2. Một số lưu ý khi chuyển nhượng cổ phần

Khi thực hiện ký kết chuyển nhượng cổ phần, các bên tham gia cần lưu ý một số vấn đề sau:

2.1. Thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực

Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần chính thức có hiệu lực tại thời điểm các bên thỏa thuận ghi nhận tại hợp đồng. Trường hợp các bên không thỏa thuận thời điểm phát sinh thì hợp đồng chính thức có hiệu lực kể từ ngày ký. Khi việc chuyển nhượng hợp đồng hoàn thành, hợp đồng sẽ chấm dứt. 

hợp đồng chuyển nhượng 2

Lưu ý khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. 

2.2. Thời điểm hoàn thành chuyển nhượng cổ phần

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, đối với các công ty cổ phần, thời điểm hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần sẽ được xác định như sau:

  • Đối tượng nhận chuyển nhượng là cổ đông Việt Nam: Thời điểm hoàn thành chuyển nhượng là ngày biên bản thanh lý hợp đồng và bàn giao cổ phần chuyển nhượng. 
  • Đối tượng nhận chuyển nhượng là cổ đông nước ngoài (chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông nước ngoài cho cổ đông khác): Thời điểm hoàn thành chuyển nhượng là ngày phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy xác nhận thông tin cổ đông nước ngoài cho công ty. 

2.3. Kiểm tra giấy chứng nhận cổ phần

Giấy chứng nhận cổ phần là tài liệu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp cổ phần dự kiến chuyển nhượng. Hiện nay, việc chuyển nhượng cổ phần không phải thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh, do đó, thông tin cổ đông sáng lập có thể không trùng khớp với tỷ lệ cổ phần hiện tại của công ty. 

Giấy chứng nhận cổ phần ghi rõ những hạn chế cho loại cổ phần mà cổ đông dự kiến chuyển nhượng. Nếu trong giấy chứng nhận cổ phần không có thì tức là không có hạn chế. 

3. Cách tính thuế khi chuyển nhượng cổ phần

Cách tính thuế khi chuyển nhượng cổ phần có sự khác biệt tại công ty cổ phần và công ty TNHH, công ty hợp danh. 

3.1. Tính thuế khi chuyển nhượng cổ phần tại công ty cổ phần

3.1.1. Thu nhập tính thuế

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần, và được xác định như sau:

  • Trường hợp chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán: Giá chuyển nhượng chứng khoán là giá được thực hiện tại Sở giao dịch chứng khoán, được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở giao dịch chứng khoán.
  • Trường hợp chứng khoán không thuộc trường hợp trên, giá chuyển nhượng là giá trên hợp đồng chuyển nhượng, hoặc giá thực tế chuyển nhượng, giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập BCTC gần nhất theo quy định. 
hợp đồng chuyển nhượng 3

Cách tính thuế TNCN khi chuyển nhượng cổ phần. 

3.1.2. Thuế suất và cách tính thuế

- Thuế suất: Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán của từng lần.

- Cách tính nộp thuế TNCN chuyển nhượng cổ phần:

Thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần x Thuế suất 0,1%

3.2. Tính thuế khi chuyển nhượng tại công ty TNHH, công ty hợp danh

  • Thuế suất: Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 11, Thông tư 111/2013/TT-BTC, mức thuế suất thuế TNCN với hoạt động chuyển nhượng vốn góp là 20%.
  • Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế: Thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.
  • Cách tính thuế TNCN: Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 20%.

Trên đây là một số thông tin về hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích cho quý độc giả.