Trang chủ Tin tức Tuần tự thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đúng chuẩn 2024

Tuần tự thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đúng chuẩn 2024

Bởi: icontract.com.vn - 30/07/2024 Lượt xem: 371 Cỡ chữ tru cong

   Thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động là một phần quan trọng trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, việc thực hiện thủ tục theo đúng quy định của pháp luật sẽ giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cả hai bên, tránh những tranh chấp không đáng có. 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động là gì?

Hiện nay, chưa có định nghĩa chính xác chấm dứt hợp đồng lao động là gì, nhưng có thể hiểu đơn giản như sau: Chấm dứt hợp đồng lao động là hành vi làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trong quan hệ lao động theo một trong các trường hợp được quy định bởi luật pháp. 

 

chấm dứt 1

Chấm dứt hợp đồng lao động là gì?

Người sử dụng và người lao động có thể chấm dứt hợp đồng với nhau vì nhiều lý do chủ quan và khách quan. Theo quy định, dưới đây là các trường hợp có thể chấm dứt hợp đồng lao động: 

  • Hợp đồng lao động đã hết hạn.
  • Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
  • Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Người lao động bị kết án tù nhưng không được hưởng án treo, hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do, bị tử hình hoặc cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động. 
  • Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án của Tòa án. 
  • Người lao động đã chết, hoặc Tòa tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. 
  • Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải. 
  • Người lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
  • Thay đổi cơ cấu doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp chia tách, hợp nhất, sáp nhập, bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp… 
  • Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt nam nhưng đã hết hạn giấy phép lao động. 
  • Thử việc không đạt yêu cầu. 

2. Thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 36, Bộ luật Lao động 2019, hướng dẫn bởi Điều 7, nghị định 145/2020/NĐ-Cp, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thông báo trước cho người lao động như sau: 

  • Thông báo trước ít nhất 45 ngày với hợp đồng lao động không xác định thời hạn
  • Thông báo trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn. 
  • Thông báo trước ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm b, Khoản 1 của Điều này và với hợp đồng lao động theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. 

chấm dứt 2

Thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động quy định như thế nào?

Ngoài ra, khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm như sau: 

  • Thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. 
  • Hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi mỗi bên trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. 
  • Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, hoặc giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHYT, BHXH, BHTN theo quy định được ưu tiên thanh toán. 
  • Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cho người lao động. 

3. Một số câu hỏi liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động

3.1. Người lao động sẽ mất quyền lợi gì nếu chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?

Theo quy định tại Điều 40, Luật lao động 2019, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì sẽ ảnh hưởng đến một số quyền lợi như sau: 

  • Không được chi trả trợ cấp thôi việc

Theo quy định, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc khi làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp người lao động đủ tuổi về hưu. Với mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được hưởng ½ tháng tiền lương. 

 

chấm dứt 3

Người lao động chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ phải bồi thường cho người sử dụng lao động. 

  • Phải bồi thường cho người sử dụng lao động

Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì sẽ phải bồi thường ½ tháng tiền lương và khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước. 

  • Phải hoàn trả lại chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động

Người lao động được người sử dụng lao động cho tham gia các khóa đào tạo để nâng cao trình độ nghiệp vụ trong quá trình làm việc. Nếu người lao động chấm dứt hợp đồng trái luật thì sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ phần chi phí đào tạo này cho người sử dụng lao động. 

3.2. Người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước không?

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước trong các trường hợp sau: 

  • Người lao động không được bố trí nơi làm việc theo đúng thỏa thuận, trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng theo đúng quy định. 
  • Người sử dụng lao động không trả lương đầy đủ, đúng thời hạn cho người lao động (trừ một số trường hợp bất khả kháng). 
  • Người lao động bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ danh dự, nhân phẩm, bị cưỡng bức lao động. 
  • Người lao động bị quấy rối tình dụng tại nơi làm việc. 
  • Lao động nữ mang thai buộc phải nghỉ việc khi có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh về việc nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. 
  • Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu. 
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không đúng khi ký kết hợp đồng lao động gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động. 

Như vậy, trên đây là một số thông tin về thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động. Việc hiểu rõ thủ tục chấm dứt hợp đồng là điều quan trọng cho cả người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi cho mình, hạn chế tranh chấp không đáng có xảy ra. 

Hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho quý độc giả trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động.