Trang chủ Tin tức Các trường hợp hợp đồng vô hiệu theo quy định pháp luật mới nhất

Các trường hợp hợp đồng vô hiệu theo quy định pháp luật mới nhất

Bởi: icontract.com.vn - 18/04/2023 Lượt xem: 2445 Cỡ chữ tru cong

   Các trường hợp hợp đồng vô hiệu là gì? Trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử, các bên do không lưu ý, tìm hiểu kỹ các quy định có thể dẫn tới việc hợp đồng vô hiệu và không có giá trị pháp lý. Vậy có những nguyên nhân nào dẫn đến hợp đồng vô hiệu, mời Quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây!

1. Hợp đồng vô hiệu là gì? Các trường hợp hợp đồng vô hiệu

trường hợp 1

Các trường hợp hợp đồng vô hiệu theo quy định pháp luật.

Theo Điều 122, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.” và Khoản 1, Điều 407, Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định: “Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.”

Tóm lại, hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực mà pháp luật về hợp đồng đã yêu cầu hoặc trong trường hợp pháp luật có quy định khác. Cụ thể, hợp đồng vô hiệu do:

i) Chủ thể không có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

ii) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự không hoàn toàn tự nguyện;

iii) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

iv) Hình thức của hợp đồng không tuân thủ quy định của pháp luật trong trường hợp luật đã quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.

Ngoài ra, hợp đồng vô hiệu do những nguyên nhân khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Với các nguyên nhân trên, bài viết này xác định các trường hợp vô hiệu sau:

2. Hợp đồng vô hiệu do không đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Nguyên nhân dẫn đến hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này bao gồm cả nguyên nhân chủ quan, cả nguyên nhân khách quan nhưng đều là các nguyên nhân dẫn đến hợp đồng không đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật.

trường hợp 3

Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. 

2.1. Hợp đồng có mục đích, nội dung phạm vào điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Những hợp đồng có mục đích, nội dung phạm vào điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (trái với những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng) là những hợp đồng xâm phạm đến lợi ích công. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội, của các chủ thể khác ngoài hợp đồng.

Tòa án có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu ngay cả khi không có ai yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Việc tuyên bố của Tòa án nhằm xác định tính vô hiệu của một hợp đồng để giải quyết vụ, việc mà hợp đồng đó có liên quan.

Ví dụ:

A cho B vay 50 ngàn USD trong 06 tháng với lãi suất là 1%/ tháng. Do B vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên A khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc B trả nợ gốc và tiền lãi cho mình. Mặc dù cả hai bên không yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng Tòa án vẫn có quyền tuyên bố vô hiệu để giải quyết nghĩa vụ đòi nợ khi xét thấy hợp đồng vay tài sản này vi phạm điều cấm của luật, bởi Pháp lệnh ngoại hối quy định: 

“Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. (Điều 22, Pháp lệnh ngoại hối 2005 và được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 14, Điều 1, Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối).

Theo đó, buộc B trả lại 50 ngàn USD cho A nhưng A không được hưởng lãi vì hợp đồng vay bị vô hiệu.

2.2. Chủ thể bị lừa dối nên đã xác lập hợp đồng

Lừa dối trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng nên đã xác lập hợp đồng đó. Không thể biết được hợp đồng có sự lừa dối nếu như người bị lừa dối không lên tiếng.

Trường hợp, Tòa án biết được hợp đồng đó được xác lập do sự lừa dối nhưng nếu người bị lừa dối không có yêu cầu gì thì mặc nhiên coi như họ đã chấp nhận hợp đồng. Vì vậy, Tòa án không thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Ví dụ: B mua của A một tài sản với giá cao do bị A lừa dối nên hình dung sai về tính chất của tài sản mua. Do bị lừa dối nên B không trả tiền mua cho bên A. A khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc B thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản theo thỏa thuận. Nhưng trước Tòa, B không yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà chỉ yêu cầu được thanh toán tiền đúng với tính chất, chất lượng tài sản mua bán.

Trong trường hợp này, Tòa án phải giải quyết tranh chấp giữa hai bên trong một hợp đồng có hiệu lực, theo đó cần định giá lại tài sản mua bán đề xác định số tiền mà B phải thanh toán cho A.

2.3. Chủ thể bị đe dọa, cưỡng ép nên phải xác lập hợp đồng

trường hợp 4

Hợp đồng bị vô hiệu khi một trong 2 bên bị đe dọa phải ký.

Đe dọa, cưỡng ép trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia không còn khả năng lựa chọn mà buộc phải tham gia xác lập hợp đồng nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích. Vì vậy, việc tham gia hợp đồng không còn mang tính tự nguyện. 

Tuy nhiên, chủ thể có tự nguyện hay không trong việc xác lập hợp đồng thì chỉ chính chủ thể đó mới biết được. Mặc dù việc xác lập hợp đồng hoàn toàn không phải là ý chí tự nguyện của của bên bị đe dọa, cưỡng ép nhưng bên bị đe dọa cưỡng ép không yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu thì cũng coi như hai bên chấp nhận hợp đồng đó. Vì vậy, Tòa án không thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

2.4. Hợp đồng được xác lập một cách giả tạo

Hợp đồng giả tạo là hợp đồng được xác lập hoàn toàn do ý chí chủ quan của các bên. Các bên cùng thống nhất ý chí để tạo nên những hợp đồng chỉ là hình thức bề ngoài nhằm che dấu một hợp đồng có thật khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với người thứ ba.

Ví dụ:

Trong thực tế, có nhiều trường hợp các bên mua bán với nhau những tài sản có giá trị lớn như ô tô, bất động sản trong đó bên mua với mục đích mua để bán lại cho người khác khi được giá nhằm kiếm lợi nhuận. Để tránh phải nộp thuế trước bạ, sang tên và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, các bên thường xác lập thêm một hợp đồng ủy quyền trong đó bên bán ủy quyền cho bên mua toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng giả tạo có mục đích là trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.

2.5. Chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

trường hợp 5

Hợp đồng của người chưa đủ 6 tuổi bị coi là vô hiệu, trừ 1 số trường hợp.

Khi hợp đồng thuộc các đối tượng trên xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật hợp đồng này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý.

Tuy nhiên, hợp đồng do những người nói trên xác lập và thực hiện vẫn được coi là có hiệu lực trong trường hợp:

i) Hợp đồng của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó.

Ví dụ: Một người chưa thành niên mua một số đồ dùng phục vụ nhu cầu học tập như vở viết, bút chì, thước kẻ.

ii) Hợp đồng chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ.

Ví dụ: Hợp đồng tặng cho tài sản mà người được tặng cho là những người nói trên.

iii) Hợp đồng được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

2.6. Chủ thể bị nhầm lẫn nên xác lập hợp đồng

Có thể do một hoặc cả hai bên nhầm lẫn nên mới xác lập hợp đồng nhưng lý do nhầm lẫn là do khách quan mang lại, hoàn toàn không phải là do ý chí chủ quan của chủ thể. Do đó, nếu vì nhầm lẫn mà dẫn đến bất lợi, không đạt được mục đích của việc xác lập hợp đồng thì người bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. 

Lưu ý: Tòa án chỉ có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu khi có đơn yêu cầu và người yêu cầu phải chứng minh được sự nhầm lẫn của mình nên mới xác lập được hợp đồng.

2.7. Chủ thể xác lập hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Có nhiều trường hợp các chủ thể có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng khi xác lập hợp đồng lại rơi vào tình trạng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình vì những nguyên nhân khác nhau. Ví dụ: một người ký kết hợp đồng trong tình trạng say rượu quá mức, không còn đủ tỉnh táo để nhận thức, hiểu đúng tính chất, nội dung của hợp đồng mà mình đã tham gia.

Việc yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do hợp đồng được xác lập vào đúng thời điểm người xác lập hợp đồng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình phải có đủ chứng cứ để chứng minh về tình trạng không nhận thức và làm chủ được hành vi trong việc giao kết hợp đồng bởi người này trước đó là người có năng lực hành vi trong giao kết hợp đồng.

2.8. Hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức

Hình thức của hợp đồng là biểu hiện bên ngoài của nội dung đã được cam kết thỏa thuận giữa các bên chủ thể, với hai dạng: Văn bản và không bằng văn bản. Các hợp đồng xảy ra trong đời sống thực tiễn hết sức đa dạng và phong phú nên các chủ thể được quyền lựa chọn hình thức xác lập hợp đồng, trừ những trường hợp luật quy định hợp đồng phải tuân theo một hình thức, thủ tục nhất định.

trường hợp 6

Hợp đồng mua bán nhà ở không được lập thành văn bản sẽ bị vô hiệu.

Theo Điều 129, Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

+ Nếu hợp đồng đã được xác lập bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó. 

+ Nếu hợp đồng đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

3. Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

Hợp đồng bị vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được là những hợp đồng mà ngay thời điểm giao kết đối tượng của nó không thể thực hiện được vì lý do khách quan. Khi đó, tùy theo từng trường hợp mà mỗi bên phải gánh chịu các hậu quả pháp lý khác nhau.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhà bị vô hiệu do tại thời điểm giao kết hợp đồng, căn nhà đó đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giải tỏa để xây dựng công trình an ninh quốc gia và cấm chuyển dịch nhà mà các bên chưa biết nội dung quyết định này (do cơ quan ra lệnh giải tỏa đã ký quyết định và chưa công bố cho các bên).

4. Hợp đồng vô hiệu do hợp đồng chính vô hiệu.

trường hợp 7

Hợp đồng chính vô hiệu sẽ dẫn đến hợp đồng phụ vô hiệu.

Theo Khoản 2, Điều 407, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”

Ví dụ: Hai công ty A và B giao kết một hợp đồng mua bán 50 tấn hàng hóa với thỏa thuận giao hàng tại trụ sở của bên bán là Công ty A, sau đó các bên ký kết với nhau một hợp đồng vận chuyển để Công ty A vận chuyển chính số lượng hàng hóa đó từ địa điểm C đến địa điểm D.

Trong trường hợp này thì hợp đồng mua bán hàng hóa được xác định là hợp đồng chính, hợp đồng vận chuyển được xác định là hợp đồng phụ, vì thế nếu hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu thì hợp đồng vận chuyển hàng hóa cũng vô hiệu.

5. Hợp đồng vô hiệu theo quy định riêng của pháp luật

Bên cạnh những trường hợp vô hiệu theo quy định chung của Bộ luật dân sự thì các luật chuyên ngành điều chỉnh hợp đồng đặc thù trong từng lĩnh vực còn có các quy định riêng về những trường hợp vô hiệu của hợp đồng. Hợp đồng thuộc trường hợp luật chuyên ngành nào quy định thì sẽ áp dụng luật đó để giải quyết việc hợp đồng vô hiệu và áp dụng hậu quả pháp lý do hợp đồng vô hiệu. 

Ví dụ: Hợp đồng kinh doanh bảo hiểm được điều chỉnh bởi Luật kinh doanh bảo hiểm và tại Điểm a, Khoản 1, Điều 25, luật này quy định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp “Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm”. 

Theo đó, nếu người mua bảo hiểm cho một tài sản mà họ không có quyền sở hữu, chiếm hữu, sử dụng tài sản đó thì hợp đồng bảo hiểm tài sản đó bị vô hiệu hoặc một người mua bảo hiểm nhân thọ cho một người mà họ không có quan hệ hôn nhân, huyết thống hay nuôi dưỡng với người đó thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đó sẽ bị vô hiệu.

Qua bài viết trên hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Ngoài ra, để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ qua thông tin dưới đây: 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://icontract.com.vn/