Trang chủ Tin tức Hợp đồng BCC là gì? Ưu nhược điểm của hợp đồng BCC mới 2024

Hợp đồng BCC là gì? Ưu nhược điểm của hợp đồng BCC mới 2024

Bởi: icontract.com.vn - 29/05/2024 Lượt xem: 4479 Cỡ chữ tru cong

   Hợp đồng BCC là một hình thức đầu tư ngày càng phổ biến bởi những thuận tiện và tính chất đặc biệt của nó. Trong bài viết này, mời quý doanh nghiệp cùng iContract tìm hiểu xem hợp đồng BCC là gì và những quy định pháp lý liên quan tới loại hợp đồng này.

hợp đồng bcc 1

Tìm hiểu về hợp đồng BCC là gì ?

1. Hợp đồng BCC là gì?

Để hiểu rõ hơn về hợp đồng BCC, hãy cùng tìm hiểu về khái niệm và ví dụ chi tiết về loại hợp đồng này dưới đây:

a) Khái niệm hợp đồng BCC

Theo lý giải tại Khoản 14, Điều 3, Bộ Luật Đầu Tư năm 2020, Hợp đồng BCC là viết tắt của Business Cooperation Contract, có nghĩa tiếng tiếng Việt là hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hợp đồng BCC là hợp đồng có mục đích hợp tác kinh doanh, chia chác lợi nhuận, phân chia sản phẩm, được ký bởi các nhà đầu tư với nhau.

Hợp đồng BCC là một trong 5 hình thức đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Hợp đồng BCC là một hình thức đầu tư phổ biến trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

b) Lấy ví dụ về hợp đồng BCC ở Việt Nam và nước ngoài

Không được truyền thông nhiều như những hợp đồng dạng BOT và BTO, hợp đồng BCC có thể chỉ được lưu giữ nội bộ. Dưới đây là một số đơn vị đã ký hợp đồng BCC tại Việt Nam:

- Hợp đồng BCC giữa Tổng công ty Khí Việt Nam cùng với Công ty Chevron Việt Nam (Mỹ), Công ty TNHH Khai thác Mitsui Oil (MOECO) (Nhật Bản) và Công ty PTTEP (Thái Lan) về dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn.

- Dự án hợp tác kinh doanh HT, ký kết hợp đồng BCC 10 năm giữa MobiFone và Tập đoàn Comvik của Thụy Điển.

- Hợp đồng BCC giữa Tập đoàn Sun Group và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu TGI về phát triển dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Sun World Bà Nà Hills tại Đà Nẵng.

2. Các quy định chung về hợp đồng BCC

Căn cứ theo Điều 27 & Khoản 2, Điều 28, Luật đầu tư năm 2020, các quy định khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC có thể kể đến như:

- Áp dụng quy định của pháp luật về dân sự cho hợp đồng BCC giao kết bởi các nhà đầu tư trong nước.

- Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với các hợp đồng BCC giao kết bởi nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Hoặc cũng có thể là hợp đồng BCC giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau.

- Ban điều phối được thành lập bởi các bên tham gia hợp đồng BCC. Các bên cùng thỏa thuận để thống nhất về nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của ban điều phối.

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên tham gia hợp đồng BCC được phép đàm phán để sử dụng những tài sản hình thành từ việc hợp tác để thành lập doanh nghiệp (tuân theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp).

hợp đồng bcc 2

Nội dung của hợp đồng BCC gồm những gì?

3. Những nội dung chính trong hợp đồng BCC là gì?

Theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 28, Luật đầu tư 2020, các nội dung chủ yếu trong hợp đồng BCC bao gồm:

- Thông tin của các bên tham gia hợp đồng (tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền tham gia ký kết hợp đồng).

- Địa chỉ giao dịch hợp đồng BCC hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư.

- Mục tiêu của việc đầu tư.

- Phạm vi của hoạt động đầu tư.

- Đóng góp của các bên tham gia vào hợp đồng BCC.

- Phân chia kết quả đầu tư kinh doanh cho các bên trong hợp đồng.

- Tiến độ từng giai đoạn và thời hạn của hợp đồng.

- Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào hợp đồng BCC.

- Các sửa đổi, chuyển nhượng và chấm dứt hợp đồng.

- Trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm.

- Cách thức giải quyết nếu có tranh chấp trong hợp đồng BCC.

Ngoài ra, các bên tham gia hợp đồng BCC được quyền thỏa thuận những nội dung khác với các nội dung kể trên, chỉ cần đảm bảo không trái với các quy định của pháp luật.

hợp đồng bcc 3

Hợp đồng BCC có những ưu và nhược điểm gì?

4. Ưu nhược điểm của hợp đồng BCC

Mỗi loại hợp đồng kinh tế thường có những lợi thế và những bất lợi riêng. Hợp đồng BCC cũng là một dạng hợp đồng tiềm ẩn nhiều cơ hội và thách thức, dưới đây là những phân tích về ưu và nhược điểm của hợp đồng BCC:

4.1 Ưu điểm của hợp đồng BCC

a) Linh hoạt trong việc hợp tác

Các bên tham gia hợp đồng BCC có thể tự do thỏa thuận về các điều khoản hợp đồng mà không bị ràng buộc bởi quy định về thành lập pháp nhân.

b) Khả năng hỗ trợ lẫn nhau

Các bên tham gia hợp đồng BCC có thể hỗ trợ lẫn nhau về nguồn vốn, kinh nghiệm, thị trường, v.v., từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

c) Phù hợp với các dự án đầu tư quy mô nhỏ

Hợp đồng BCC là hình thức hợp tác kinh doanh phù hợp với các dự án đầu tư quy mô nhỏ, có thời gian thực hiện ngắn.

d) Nhanh chóng và dễ dàng

Do không cần thành lập pháp nhân mới, các bên tham gia hợp đồng BCC có thể tiết kiệm được nhiều chi phí thủ tục hành chính, thời gian và công sức.

e) Chuyển giao công nghệ và kỹ năng

Quá trình hợp tác với các công ty tư nhân, đặc biệt là các công ty nước ngoài, có thể giúp chuyển giao công nghệ tiên tiến và nâng cao kỹ năng cho lao động trong nước.

4.2 Nhược điểm của hợp đồng BCC

a) Khó khăn trong đàm phán hợp đồng

Việc đàm phán hợp đồng BCC thường phức tạp và kéo dài, đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia pháp lý và tài chính, điều này có thể gây tốn kém và mất thời gian.

b) Rủi ro pháp lý cao

Do không phải là pháp nhân, các bên tham gia hợp đồng BCC không được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ban điều phối nắm giữ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không giới hạn (do các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận) làm mất thời gian thỏa thuận và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

c) Rủi ro về tài chính và kỹ thuật

Nếu dự án không đạt được các kỳ vọng về tài chính hoặc gặp các vấn đề kỹ thuật, nhà đầu tư có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn, dẫn đến nguy cơ phá sản hoặc phải nhờ đến sự hỗ trợ từ chính phủ.

d) Khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp

Việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng BCC có thể gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý để áp dụng.

Như vậy, hợp đồng BCC là một hình thức đầu tư hấp dẫn, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước những rủi ro và cẩn thận trong thương thảo hợp đồng. Đồng thời, các bên tham gia nên tham vấn ý kiến của luật sư cũng như các đơn vị dịch vụ về hợp đồng để đảm bảo quyền lợi và sự hợp pháp.