Trang chủ Tin tức Hợp đồng chiết khấu thương mại lập như thế nào & lưu ý khi lập?

Hợp đồng chiết khấu thương mại lập như thế nào & lưu ý khi lập?

Bởi: icontract.com.vn - 15/08/2024 Lượt xem: 426 Cỡ chữ tru cong

   Khi giao dịch thương mại hàng hoá với số lượng lớn, nhiều doanh nghiệp thường có chính sách chiết khấu cho khách hàng/đại lý. Để thực hiện chiết khấu và đảm bảo quyền lợi các bên, quý khách cần lập hợp đồng mua bán, chiết khấu thương mại. Quy định và các lưu ý khi lập hợp đồng chiết khấu thương mại sẽ được iContract tổng hợp qua bài viết dưới đây.

1. Hợp đồng chiết khấu thương mại là gì?

thương mại 1

Hợp đồng chiết khấu thương mại trong kinh doanh.

Trong lĩnh vực kinh doanh, các doanh nghiệp không chỉ có khách hàng mua nhỏ lẻ mà còn có cả khách hàng, đại lý mua với số lượng lớn. Trong trường hợp này, doanh nghiệp thường triển khai hoạt động chiết khấu thương mại cho nhóm đối tượng này. 

Theo Khoản 1c, Điều 81 của Thông tư 200/2014/TT-BTC và Chuẩn mực kế toán số 14:

“Chiết khấu thương mại là việc bán hàng với giá thấp hơn so với niêm yết khi khách hàng mua với số lượng lớn. Để một khoản chiết khấu thương mại được coi là hợp pháp, cần tuân thủ các quy định về khuyến mại, hóa đơn và trong một số trường hợp cụ thể, cần thực hiện nghĩa vụ nộp thay thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).”

Hợp đồng chiết khấu thương mại được xác định là một loại hợp đồng mua bán giữa bên bán và bên mua, trong đó có quy định liên quan đến việc chiết khấu sản phẩm dựa trên số lượng mua nhằm mục đích tăng doanh thu và mang lại ưu đãi cho những khách hàng mua với số lượng lớn.

2. Chiết khấu thương mại trong hợp đồng có mấy loại?

Chiết khấu thương mại là tên gọi chung được sử dụng trong nhiều trường hợp và hình thức. Điều này cần được ghi rõ trong hợp đồng chiết khấu thương mại để thống nhất giữa các bên.

thương mại 2

Các hình thức chiết khấu thương mại.

2.1 Các trường hợp chiết khấu thương mại

  • Chiết khấu thương mại áp dụng cho từng lần mua.
  • Chiết khấu thương mại dựa vào số lượng và doanh số.
  • Khuyến mại sau khi lập hóa đơn.

2.2 Các hình thức chiết khấu thương mại

  • Chiết khấu thương mại theo từng lần mua hàng: giảm giá ngay trong lần mua đầu tiên.
  • Chiết khấu thương mại sau nhiều lần mua hàng: áp dụng sau khi đã đạt được khối lượng mua nhất định.
  • Chiết khấu thương mại sau chương trình khuyến mại: thực hiện sau khi đã xuất hóa đơn, dựa trên tổng chiết khấu được hưởng trong kỳ.

2. Mẫu hợp đồng chiết khấu thương mại

Dưới đây là mẫu hợp đồng chiết khấu thương mại dành cho quý khách tham khảo. Thông tin trên mẫu hợp đồng có thể được thay đổi theo sản phẩm, hình thức chiết khấu tuỳ thuộc vào chính sách của doanh nghiệp.

Mẫu hợp đồng chiết khấu thương mại tham khảo.

 

3. Lưu ý về thuế và hoá đơn trong hợp đồng chiết khấu thương mại

Khi lập hợp đồng chiết khấu thương mại, giữa doanh nghiệp và đại lý/khách hàng cần có sự thống nhất và nắm rõ về các quy định thuế, hoá đơn phải tuân thủ.

thương mại 4

Quy định về thuế và hóa đơn với hợp đồng chiết khấu thương mại.

3.1 Lưu ý về thuế trong hợp đồng chiết khấu thương mại

a. Khoản chiết khấu thương mại có giảm trừ khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)

Theo Cục Thuế TP. Hà Nội, giá tính thuế TTĐB cho các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được xác định theo công thức:

Giá tính thuế TTĐB = (Giá bán chưa có thuế GTGT – Thuế BVMT) / (1 + Thuế suất TTĐB)

Trong đó, giá bán chưa có thuế GTGT là giá đã bao gồm chiết khấu thương mại cho khách hàng. Khi phát hành hóa đơn điều chỉnh giảm doanh thu với số tiền chiết khấu, số thuế TTĐB cũng được điều chỉnh giảm tương ứng với số tiền chiết khấu đó. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, số tiền chiết khấu vẫn phải chịu thuế TTĐB.

b. Chiết khấu thương mại cho đại lý nếu trả bằng tiền phải nộp 1% thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Theo Công văn số 1615/TCT-CS, nếu khoản chiết khấu thương mại cho đại lý là khoản giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn, khoản chiết khấu này được miễn thuế TNCN. Ngược lại, nếu chiết khấu được trả bằng tiền mặt, phải khấu trừ 1% thuế TNCN.

c. Chiết khấu thương mại theo hợp đồng mua hàng được miễn tính thuế TNCN

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điểm b Khoản 6, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC, tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa và tiền trúng thưởng khuyến mại khi mua hàng hóa là các khoản thu nhập chịu thuế TNCN. Tuy nhiên, chiết khấu thương mại được giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn mua hàng thì được miễn khấu trừ 1% thuế TNCN, bất kể người mua là đại lý.

d. Giảm trừ tiền chiết khấu ngay trên hóa đơn được miễn tính thuế TNCN

Căn cứ vào Công văn số 9593/CT-TTHT, các khoản chiết khấu thương mại theo hợp đồng bán hàng nếu được giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn sẽ không bị khấu trừ 1% thuế TNCN, bất kể người mua là đại lý hay người tiêu dùng.

3.2 Lưu ý về hoá đơn trong hợp đồng chiết khấu thương mại

a. Hóa đơn điều chỉnh tiền chiết khấu phải đính kèm bảng kê

Theo Công văn số 2721/TCT-CS, số tiền chiết khấu thương mại có thể được giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn của lần mua hàng cuối cùng. Tuy nhiên, nếu không thể giảm trừ kịp hoặc lỡ quên, doanh nghiệp có thể lập một hóa đơn điều chỉnh để ghi giảm doanh thu bán hàng. Hóa đơn này bắt buộc phải kèm theo bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền và số thuế điều chỉnh.

b. Hóa đơn điều chỉnh tiền chiết khấu có thể lập sau khi kết thúc chương trình

Theo Công văn số 143/CT-TTHT, trong trường hợp cần chờ đến hết chương trình hoặc kỳ chiết khấu mới có thể xác định cụ thể số tiền chiết khấu thương mại, thì hóa đơn điều chỉnh cho số tiền này có thể được lập sau khi hoàn thành việc kết toán số liệu. Việc lập hóa đơn điều chỉnh không bắt buộc phải thực hiện ngay trong ngày kết thúc chương trình.

c. Không có hợp đồng bán hàng, chiết khấu thương mại có được chấp nhận

Theo quy định tại Điểm 2.5, Phụ lục 4, Thông tư số 39/2014/TT-BTC, công ty thực hiện chiết khấu thương mại cho khách hàng dựa vào doanh số bán hàng đạt mức nhất định trong tháng, quý, hoặc năm theo hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa hai bên. Trong trường hợp này, số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp theo. Nếu số tiền chiết khấu được tính khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu, hóa đơn điều chỉnh phải được lập kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, và tiền thuế điều chỉnh.

Theo Công văn số 1868/CT-TTHT, ngay cả khi khách hàng không ký hợp đồng bán hàng, khoản chiết khấu thương mại vẫn được chấp nhận nếu được thực hiện theo đúng các quy định pháp luật về thương mại. Trong trường hợp công ty ký hợp đồng bán hàng có thỏa thuận chiết khấu thanh toán cho khách hàng thanh toán trước hạn, công ty căn cứ vào hợp đồng bán hàng có thỏa thuận về chiết khấu thanh toán và chứng từ thanh toán tiền chiết khấu để tính vào chi phí hợp lý.

d. Bên mua không phải lập hóa đơn khi nhận chiết khấu thương mại

Theo Công văn số 972/CT-TTHT ngày 7/2/2017, khoản chiết khấu thương mại sẽ được điều chỉnh trên hóa đơn của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp theo. Nếu khoản chiết khấu được tính sau khi kết thúc chương trình, thì hóa đơn điều chỉnh phải được lập kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền và tiền thuế điều chỉnh. Bên mua không có trách nhiệm lập hóa đơn cho khoản chiết khấu thương mại này.

e. Không được lập hóa đơn để thu tiền chiết khấu thương mại

Căn cứ vào Công văn số 13457/CT-TTHT, khoản chiết khấu thương mại, nếu có, chỉ được phép giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn của lần mua kế tiếp hoặc sau cùng. Nếu chưa kịp giảm trừ, doanh nghiệp có thể lập hóa đơn điều chỉnh. Dựa trên hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua sẽ kê khai điều chỉnh doanh thu mua bán, thuế đầu ra và đầu vào. 

Theo Công văn số 1615/TCT-CS, khoản chiết khấu thương mại có thể được chi bằng tiền nhưng chỉ được chi cho cá nhân là người tiêu dùng hoặc cá nhân làm đại lý bán hàng. Nếu chi cho cá nhân, doanh nghiệp phải khấu trừ và nộp thay 1% thuế TNCN. Điều quan trọng là bên mua không được phép lập hóa đơn để thu tiền chiết khấu. Nếu lập, bên bán không được đưa hóa đơn này vào hạch toán chi phí vì điều này vi phạm quy định.

Sau khi tham khảo bài viết và hiểu về hợp đồng chiết khấu thương mại, doanh nghiệp có thể tham khảo sử dụng phần mềm hợp đồng điện tử để thực hiện giao dịch tiện lợi, bảo mật hơn. 

Để được tư vấn về phần mềm Hợp đồng điện tử iContract, mời Quý doanh nghiệp liên hệ chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn theo hotline:

  • Miền Bắc: 1900.4767
  • Miền Trung, Nam: 1900.4768