Trang chủ Tin tức Hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào & nguyên tắc ký kết là gì?

Hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào & nguyên tắc ký kết là gì?

Bởi: icontract.com.vn - 05/12/2022 Lượt xem: 2019 Cỡ chữ tru cong

   Hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào? Trong nhiều tranh chấp về hợp đồng điện tử vấn đề hiệu lực hợp đồng là căn cứ quan trọng để giải quyết các vi phạm. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ luật rất có thể doanh nghiệp, đơn vị hoặc có thể là chính bạn sẽ gặp tổn thất và bị phạt hợp đồng.

hiệu lực 1

Giải đáp về hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào.

1. Căn cứ pháp lý giao kết hợp đồng điện tử

Hiện nay, giao kết hợp đồng điện tử trở thành phương thức giao kết được nhiều đơn vị và cá nhân lựa chọn do khắc phục được nhược điểm của việc giao kết hợp đồng giấy đồng thời mang đến năng suất cao trong công việc. Mọi hợp đồng điện tử được giao kết cần tuân thủ theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo hợp đồng có giá trị pháp lý. 

Căn cứ theo quy định tại Điều 33, Luật giao dịch điện tử 2005 quy định:

“Điều 33. Hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”

Hợp đồng điện tử vừa phải tuân thủ theo Luật giao dịch điện tử 2005 vừa phải tuân thủ theo Pháp luật về hợp đồng. Theo đó, căn cứ pháp lý giao kết hợp đồng điện tử gồm có:

  • Luật giao dịch điện tử 2005 ngày 29/11/2005
  • Bộ luật Dân sự 2015 ngày 24/11/2015
  • Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giao dịch điện tử 
  • Các văn bản pháp lý liên quan khác như: Luật thương mại 2005 (ngày 14/6/2005)

2. Hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào

Để biết chính xác về hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào các bên tham giao kết hợp đồng cần căn cứ vào các quy định của Pháp luật. Khi hợp đồng điện tử có hiệu lực có nghĩa là hợp đồng có giá trị pháp lý, các bên tham gia giao kết buộc phải thực hiện quyền và nghĩa vụ như đã thỏa thuận dưới sự bảo hộ của luật pháp.  

hiệu lực 2

Hợp đồng điện tử có hiệu lực từ thời điểm ký.

2.1 Hợp đồng điện tử có giá trị tương đương giao dịch văn bản

Theo Khoản 1, Điều 119, Bộ luật dân sự 2015 quy định: 

“Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.

Mặt khác, theo Điều 15, Luật thương mại 2005 quy định: 

“Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản”

Căn cứ vào các quy định trên thì khi giao kết hợp đồng điện tử đúng pháp luật thì được coi là giao dịch bằng văn bản và được thừa nhận giá trị pháp lý tương đương văn bản. Nói cách khác, hợp đồng điện tử trường hợp này có giá trị pháp lý tương đương như hợp đồng giấy.

2.2 Quy định về hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào

Có thể thấy hiệu lực của hợp đồng điện tử cũng được xét theo hiệu lực của hợp đồng bằng văn bản giấy thông thường nếu thỏa mãn các điều kiện của việc tạo lập thông tin, gửi, nhận và lưu trữ thông tin bằng phương tiện điện tử.

Để biết hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào cần căn cứ theo Điều 401, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hiệu lực của hợp đồng như sau:

"Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng

(1). Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

(2). Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật."

Như vậy, hợp đồng điện tử hợp pháp sẽ có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan quy định khác. Khi hợp đồng điện tử có hiệu lực các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau như cam kết trong hợp đồng.

3. Các nguyên tắc khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử 

Để hợp đồng điện tử có hiệu lực pháp lý thì các bên khi giao kết và thực hiện hợp đồng cần lưu ý 3 nguyên tắc sau:

hiệu lực 3

Các nguyên tắc khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

  • Một là: Chủ thể giao kết có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.
  • Hai là: Tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về hợp đồng khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
  • Ba là: Các bên tham gia giao kết hợp đồng điện tử có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.

Nắm rõ, hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào sẽ tránh được các sai sót dẫn đến tranh chấp hoặc thiệt hại cho các bên tham gia. Hiện nay, sử dụng hợp đồng điện tử trở thành xu hướng tất yếu của mọi doanh nghiệp. Chúng mang đến nhiều lợi ích, không chỉ giao kết hợp đồng nhanh chóng mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí. Sử dụng hợp đồng điện tử góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, mở rộng thị trường nâng cao lợi thế cạnh tranh nhờ đó dễ dàng thành công hơn.