Hợp đồng hợp tác đầu tư là gì? Nội dung và quy định cần nắm rõ
Hợp đồng hợp tác đầu tư có vai trò quan trọng trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia đầu tư trước khi cùng thực hiện một hoạt động nhất định. Việc soạn thảo một hợp đồng đầu tư chuẩn chỉnh, theo đúng quy định của pháp luật sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian, công sức.
1. Hợp đồng hợp tác đầu tư là gì?
Hợp đồng hợp tác đầu tư là sự thỏa thuận giữa các bên về việc đóng góp tài sản và công sức để thực hiện một công việc nhất định. Trước khi tham gia hợp tác đầu tư, các bên cần thỏa thuận với nhau để phân chia rõ ràng lợi nhuận, tài sản mà không cần thành lập một tổ chức kinh tế mới.
Hợp đồng hợp tác đầu tư là sự đóng góp tài sản và công sức để thực hiện công việc nhất định.
Hợp đồng hợp tác đầu tư có những đặc điểm chính sau:
- Nội dung hợp đồng: Do các bên tự xây dựng nhằm mục đích thực hiện, hỗ trợ trong quá trình sản xuất kinh doanh để thu lợi nhuận. Các bên sẽ gắn quyền và nghĩa vụ với nhau qua hợp đồng.
- Hình thức hợp đồng: Không quy định bắt buộc hình thức của hợp đồng phải bằng văn bản. Tuy nhiên, các bên nên lựa chọn hình thức văn bản hoặc hợp đồng điện tử để tránh những tranh chấp phát sinh sau này.
- Hợp đồng mang tính song vụ: Các bên trong hợp đồng đều có quyền và nghĩa vụ với nhau, quyền và nghĩa vụ phát sinh theo thỏa thuận và do pháp luật quy định.
- Hợp đồng hợp tác đầu tư không có đền bù: Sau khi giao kết hợp đồng, các bên phải đóng góp tài sản để thực hiện công việc, lợi nhuận sẽ được chia trong quá trình thực hiện hợp đồng. Ngược lại, các thành viên sẽ phải chịu theo phần đóng góp của mình nếu thua lỗ trong quá trình đầu tư.
2. Chủ thể của hợp đồng hợp tác đầu tư
Theo quy định, chủ thể của hợp đồng hợp tác đầu tư là các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài.
Cụ thể, Khoản 18 và Khoản 19, Điều 3, Luật đầu tư 2020 quy định về nhà đầu tư như sau:
- Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài, thực hiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
- Nhà đầu tư trong nước là các cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông
Tóm lại, mọi chủ thể là nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đều có thể trở thành chủ thể của hợp đồng hợp tác đầu tư. Đây là điểm khác biệt so với các quy định về hình thức đầu tư theo hợp đồng này so với trước đây.
3. Nội dung của hợp đồng
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 28, Luật đầu tư 2020, hợp đồng hợp tác đầu tư cần có các nội dung sau:
- Thông tin của các bên tham gia đầu tư: Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền, địa chỉ giao dịch, địa điểm thực hiện dự án đầu tư.
- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh.
- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và tỷ lệ phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên.
- Tiến độ và thời gian thực hiện hợp đồng.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.
- Sửa đổi, chuyển nhượng hoặc chấm dứt hợp đồng.
- Trách nhiệm do vi phạm, phương thức giải quyết tranh chấp.
Nội dung hợp đồng được quy định rõ ràng trong Luật đầu tư 2020.
4. Đơn phương chấm dứt hợp đồng
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 28, Luật đầu tư 2020 và Điều 426, Luật dân sự 2005, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư được thực hiện như sau:
Các bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư nếu việc chấm dứt này được quy định cụ thể trong hợp đồng, là một điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận và ký kết. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng thì bên còn lại có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, đồng thời phải thông báo cho bên còn lại trong một khoảng thời gian nhất định, hoàn thiện thủ tục về việc chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, mẫu hợp đồng hợp tác đầu tư chuẩn chỉnh cần đảm bảo các yêu cầu về nội dung, hình thức theo đúng quy định. Hy vọng, bài viết này đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho quý độc giả để chỉnh sửa, hoàn thiện hợp đồng cho phù hợp với nhu cầu, mục đích cụ thể của mình.