Tổng thầu EPC là gì? Các quy định đối với tổng thầu EPC
EPC là một loại hợp đồng thi công xây dựng phổ biến tại nhiều dự án ở Việt Nam. Vậy tổng thầu EPC là gì? Những đơn vị này sẽ phải đáp ứng những quy định nào khi thực hiện hợp đồng xây dựng? Mời quý khách theo dõi bài viết sau để biết thêm thông tin.
1. Tổng thầu EPC là gì?
Tìm hiểu về tổng thầu EPC.
Tổng thầu EPC được hiểu là các đơn vị thực hiện dự án xây dựng theo loại hợp đồng EPC.
1.1 Hợp đồng EPC
Hợp đồng EPC (Engineering, Procurement, and Construction) là một hình thức hợp đồng xây dựng phổ biến, trong đó nhà thầu đảm nhận toàn bộ quá trình từ thiết kế, mua sắm vật liệu, thiết bị cho đến thi công và bàn giao công trình cho chủ đầu tư.
1.2 Lợi ích khi áp dụng hình thức tổng thầu EPC
Hợp đồng EPC trao cho tổng thầu quyền chủ động lớn hơn trong việc thiết kế, lựa chọn vật liệu, thi công và quản lý dự án. Điều này không chỉ giúp rút ngắn thời gian thi công mà còn đảm bảo chất lượng công trình tốt hơn.
Đồng thời, việc nhà thầu chịu trách nhiệm toàn diện cũng giúp giảm bớt gánh nặng quản lý cho chủ đầu tư.
2. Quyền và nghĩa vụ của tổng thầu EPC
Phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của tổng thầu EPC.
Theo Điều 15, Thông tư 30/2016/TT-BXD, bên tổng thầu EPC sẽ có phạm vi quyền hạn và nghĩa vụ như sau:
- Quản lý phạm vi thực hiện các công việc theo mục tiêu dự án và theo danh mục công việc trong hợp đồng đã ký kết; kiểm tra tính đúng đắn, đầy đủ và phù hợp của các tài liệu khảo sát, thiết kế cũng như tài liệu kỹ thuật được áp dụng.
- Quản lý tiến độ thực hiện các công việc phù hợp với tiến độ chung của dự án và hợp đồng tổng thầu EPC đã ký kết.
- Quản lý toàn bộ các phương tiện và biện pháp thi công trong phạm vi công trường của toàn bộ dự án.
- Bổ sung hoặc thay thế các nhà thầu phụ nhằm đảm bảo chất lượng, giá cả và tiến độ thực hiện các công việc của hợp đồng sau khi được CĐT chấp thuận.
- Kiểm soát chi phí thực hiện các công việc theo hợp đồng; quản lý, thanh toán và điều chỉnh giá hợp đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
- Tổng thầu EPC có trách nhiệm tổ chức quản lý toàn bộ hoạt động phạm vi trong và ngoài công trường để đảm bảo thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC một cách an toàn, hiệu quả; Điều phối các nhà thầu phụ sử dụng hợp lý các công trình phụ trợ và phục vụ thi công để tránh lãng phí; sử dụng, bảo vệ mặt bằng và giữ gìn an trật tự, an ninh công trường.
- Chủ động phối hợp với CĐT tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành sử dụng công trình theo hợp đồng tổng thầu EPC đã ký kết.
3. Yêu cầu về năng lực của tổng thầu EPC
Thông tư 30/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về tổng thầu EPC. Theo đó, tổng thầu EPC phải có năng lực đảm nhận toàn bộ công việc trong phạm vi hợp đồng EPC, bao gồm khả năng thiết kế, cung cấp thiết bị, dịch vụ đào tạo, vận hành, chuyển giao công nghệ, và thi công xây dựng công trình theo quy định pháp luật. Thêm vào đó, bên nhận thầu không được phép giao thầu phụ vượt quá 60% khối lượng công việc của hợp đồng EPC.
Ngoài các yêu cầu về chuyên môn thiết kế và thi công đạt chất lượng, tổng thầu EPC phải hiểu rõ công nghệ và dây chuyền sản xuất của nhà máy. Sau khi lắp đặt, họ phải đảm bảo chuyển giao công nghệ cho chủ đầu tư và cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo trì cho các thiết bị mà họ cung cấp.
4. Ưu và nhược điểm của hợp đồng tổng thầu EPC
Tổng thầu EPC so với các hình thức khác có ưu, nhược điểm gì?
Tổng thầu EPC được trao quyền hạn với toàn bộ dự án xây dựng. Hình thức hợp đồng này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm với một số hạn chế mà chủ đầu tư cần cân nhắc trước khi triển khai
4.1 Ưu điểm của hợp đồng EPC:
- Nhà thầu EPC chịu trách nhiệm toàn bộ dự án, giúp chủ đầu tư giảm bớt gánh nặng quản lý và điều phối.
- Quá trình thực hiện dự án được rút ngắn nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các giai đoạn.
- Chủ đầu tư chỉ làm việc với một đối tác duy nhất, giảm thiểu các thủ tục hành chính.
- Nhà thầu EPC thường có kinh nghiệm và năng lực kỹ thuật cao, đảm bảo chất lượng công trình.
4.2 Nhược điểm của hợp đồng EPC:
- Hợp đồng EPC thường có chi phí cao hơn so với các hình thức hợp đồng khác do bao gồm nhiều hạng mục công việc.
- Chủ đầu tư có thể khó kiểm soát chi tiết quá trình thực hiện dự án do đã giao toàn quyền cho nhà thầu EPC.
- Dự án EPC thường có quy mô lớn và phức tạp, đòi hỏi thời gian thực hiện khá dài.
- Rủi ro chất lượng công trình và thiết bị hoàn toàn phụ thuộc vào nhà thầu EPC (thi công không đạt, thiết bị chất lượng thấp hoặc không phù hợp quy chuẩn)
Do đó, để lựa chọn hình thức hợp đồng EPC, chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như quy mô dự án, kinh nghiệm của nhà thầu, khả năng tài chính và các yêu cầu đặc biệt của dự án.
Hy vọng bài viết từ iContract đã giúp quý khách có thêm những thông tin về tổng thầu EPC là gì và những phân tích liên quan tới hợp đồng EPC.
iContract là hệ thống phần mềm ký hợp đồng điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giao dịch hợp đồng từ xa, bảo mật và tiện lợi. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn, sử dụng phần mềm, xin vui lòng liên hệ iContract theo hotline:
- Miền Bắc: 1900.4767
- Trung, Nam: 1900.4768